Những mùa thi đi qua…


Khi đang ngồi online trên mạng, tôi liên tục nhận được những cuộc gọi từ những người bạn là học sinh cuối cấp...

... họ hỏi dồn dập: “Năm ngoái trường mình ra đề gì?”. Điều này không lạ, vì “truyền thống” ở trường cấp 3 của tôi là ra đề luân phiên, nếu năm trước đã ra đề A thì năm sau chắc chắn sẽ là đề khác. Việc hỏi đề năm ngoái nhằm giúp học sinh “loại trừ” để thu hẹp phạm vi học bài, đỡ được phần nào hay phần đó…

Thấy các cô cậu cấp 3 lo sốt vó khi kì thi sắp đến gần, còn tôi vẫn mải nhởn nhơ vì đã trải qua cái thời ấy, bỗng trong tôi dâng lên một nỗi nhớ da diết và ánh mắt lật lại những kỉ niệm, nhớ về mùa thi năm xưa…

Khi tôi còn bé, tôi chỉ biết học theo ý ba mẹ mình, hoàn toàn chẳng bao giờ học vì bản thân. Mùa thi đến, tôi vẫn tự ý lẻn ra cánh cổng sau vườn để đi chơi với tụi bạn hàng xóm, đến tận chiều tối mới mò về. Hậu quả là bị ăn một trận đòn nhớ đời. Dù rằng tôi cố bao biện rằng: “Con đã học hết bài và làm xong những việc cô giao…”, mẹ vẫn bắt tôi thức cả đêm để ôn đi ôn lại rất nhiều lần. Lúc ấy tôi vừa ngồi ôn bài vừa khóc, một phần vì ức, một phần vì quá buồn ngủ và hối hận vì đã đi chơi quá nhiều…

Sáng, dù rất buồn ngủ nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thành bài. Nhưng do tập trung quá sức cộng với sự mệt mỏi từ hôm qua, tôi gục tại chỗ khi trống vừa điểm hết giờ. Bài thi năm ấy tôi chỉ được 7 điểm – so với những người bạn trong lớp, đây là một số điểm rất tệ vì bài khá dễ, hơn nửa lớp có điểm 9, 10. Mẹ không hề trách móc, nhưng tôi vẫn cảm thấy nặng lòng. Không phải vì đã khiến mẹ buồn, mà còn hối hận vì tất cả những việc mình làm. Sau lần đó, tôi lọt ra khỏi top 5 của lớp. Chính vì “biến cố” ấy đã khiến tôi hạ quyết tâm rằng: “Từ nay, không được phép học thua kém ai”

Và tôi đã làm được. Những năm cấp 2 trôi qua với những bằng khen, danh hiệu và giải thưởng. Tôi học đêm ngày, học cốt để trở thành thủ khoa của khối. Điểm số càng cao thì thời gian tôi dành cho bạn bè càng ít. Cứ đến ngày thi, trong lúc bạn bè lo sốt vó thì tôi đã chuẩn bị sẵn bài cho học kì 2. Sự vượt trội của tôi khiến bạn bè ngưỡng mộ, nhưng không ít đứa ghét thầm: “Học nhiều có ngày bị…hâm!”

Thật vậy, chính vì quá cầu toàn nên những mùa thi trôi qua, tôi vẫn chẳng bao giờ hài lòng với bản thân mình. Ra khỏi phòng thi sau khi môn cuối kết thúc, tôi khóc òa. Bạn bè hỏi han thì tôi chỉ bảo: “Tao không làm được trọn vẹn. Tao sợ nếu môn Toán kì này 9 điểm thì điểm phẩy không còn là 10.0 nữa”. Bạn bè quá hiểu sức ép của một đứa học giỏi nhất nhì trường như tôi, nên thay vì trách cứ, tụi nó lại thông cảm: “Không sao đâu, dù gì đi nữa cũng là bài học kinh nghiệm. Làm sao có thể 10 điểm hoài được chứ. Nếu thế đâu cần gì phải đi học, đúng không?”

Biết bao nhiêu cậu bạn thầm để ý tôi, nhưng tôi vẫn xem việc học là lẽ sống đời mình. Bạn bè rủ đi chơi, tôi rất thích, nhưng nghĩ tới đống bài vở ở nhà (tự làm thêm), tôi lại lưỡng lự rồi cuối cùng quyết định về nhà ôn tập.

Mẹ tôi lúc này chỉ biết thở dài. Mẹ không ngờ rằng tôi đã thay đổi đến như thế. Thậm chí có lần mẹ còn bảo: “Không cần học nhiều nữa. Học ít ít thôi. Nếu con luôn đứng đầu mà suốt ngày chạy về khóc chỉ vì điểm…8, thì mẹ chịu thua. Mẹ có gây áp lực cho con đâu…”

Cấp 1, cấp 2 rồi cũng trôi qua. Tiểu học, tôi ham chơi bao nhiêu thì cấp 2 học mệt mỏi bấy nhiêu. Nhưng sau một khoảng thời gian dài chìm đắm vào sách vở, tự cô lập với cuộc sống xung quanh, tôi nhận ra rằng cách học của mình hơi sai lầm. Không phải lúc nào điểm số cũng phản ánh đúng thực lực. Lên cấp 3, những ngày đầu đi học, tôi áp lực và khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Một thời gian dài sau, tôi mới suy nghĩ được chững chạc hơn về những điều xung quanh…

Những mùa thi thời trung học phổ thông, với tôi, là những xúc cảm lo lắng nhẹ nhàng, có đan xen lẫn áp lực và niềm hân hoan khó tả. Sau mỗi mùa thi, tôi đều cảm thấy thật nhẹ nhõm cơ hồ như có một làn gió luồn qua mái tóc… Nhớ lắm những lúc thức khuya xem lại bài, nhớ những tin nhắn “chúc thi tốt” từ những người bạn, nhớ những sự áp lực, nhớ những bài kiểm tra phải làm liên tục, rồi không khí căng thẳng trước phòng thi khi ai cũng đoán đề theo cách khác nhau… Nhớ cả sự quan tâm của “ai đó đặc biệt” khi tôi đổ bệnh sau thi…

Cuối cấp, bài vở chất chồng, bên cạnh việc áp lực trong mùa thi, tôi còn mơ hồ nghĩ đến tương lai của mình, rồi cảm thấy căng thẳng vì sợ rằng mình không vào nổi đại học. Lo lắng là thế, nhưng khi đầu óc bão hòa, không thể chèn thêm công thức hay bài tập được nữa, tôi lại online để mong được trò chuyện cùng ai đó từng trải, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn thử thách ở giai đoạn này…

o0o

Và bây giờ, khi đã trở thành sinh viên năm 1, tôi lại tình nguyện “hỗ trợ tinh thần” cho những cô cậu cấp 3, và tôi cảm thấy hạnh phúc khi họ đỡ căng thẳng và bước vào kì thi một cách vững vàng nhất, không phải quá u sầu hay khóc sướt mướt khi làm bài không được như tôi khi xưa…

Khi các học sinh cấp 3 đang bước vào kì thi thì tôi vẫn thản nhiên ngồi uống trà sữa, nghe những bản nhạc êm dịu và đọc những cuốn tạp chí mới toanh. Bỗng tôi giật mình. Vài tháng qua, từ khi vào đại học đến giờ, hình như tôi đã bỏ bê bài vở khá nhiều. Đầu tháng 1 thi học kì, nhưng hiện giờ trong tôi vẫn không có lấy một chút kiến thức…

Rồi những mùa thi hiện về trong kí ức tôi. Đã từng ráng phấn đấu ở những kì thi trước để làm gì? Để vào đại học. Chung quy, 12 năm học của tôi trôi qua cũng chỉ vì một ước vọng cao cả: được làm sinh viên một trường đại học công lập với chuyên ngành mơ ước. Thế nhưng, khi đã đạt được mục tiêu, tôi làm gì tiếp theo để xứng đáng với nó?

Tôi thẫn thờ…

Tháng 1, tôi sẽ thi học kì…

Rồi tôi chạy vội về nhà, cầm quyển sách lên và đọc. Tôi sẽ bắt đầu tự tạo áp lực cho mình để học tập, dù rằng mùa thi chưa đến. Rồi tôi sẽ thi thật tốt vào tháng tới. Tôi sẽ làm được.

dieuhuong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More