Phỏng vấn đầu năm 2011

1. Dư luận xã hội thời gian gần đây nói rất nhiều về chuyện y đức, cũng không ít người cho rằng y đức đang xuống cấp. Là người trong cuộc, anh nhìn nhận về chuyện này như thế nào?

Mỗi ngành nghề đều có quy định về đạo đức riêng như đạo đức kinh doanh, đạo đức kế toán, đạo đức y khoa (hay còn gọi là y đức). Đạo đức nghề nghiệp ngăn cản người hành nghề làm những điều sai trái trong công việc chuyên môn của mình. Ví dụ người kế toán viên không được kê khai sai số liệu, tiết lộ bí mật doanh nghiệp cho người khác; doanh nhân không được đầu cơ tích trữ gây rối thị trường; thầy thuốc không được lợi dụng thân xác bệnh nhân hay tiết lộ bí mật bệnh tật của bệnh nhân cho người khác… Ngoài việc không gây hại cho bệnh nhân, xã hội còn đòi hỏi Thầy Thuốc phải có thái độ đồng cảm, chia sẻ với người bệnh, chăm sóc bệnh nhân như thể người thân ruột thịt của mình. Chính vậy nên người xưa ví “lương y như từ mẫu”. Mọi sinh viên khi còn học trong trường y đều được dạy dỗ về y đức và có lời thề trước khi ra trường.

Để có được thái độ, hành động chăm sóc một cách thân thương với người bệnh, người thầy thuốc cần có nhiều năng lượng, cả năng lượng về vật chất và năng lượng về tinh thần. Năng lượng đó cần dồi dào, đầy đủ để người thầy thuốc suốt đời phục vụ bệnh nhân không mệt mỏi. Người Thầy Thuốc cần có tâm trí thảnh thơi để chuyên tâm học tập, nghiên cứu, tăng khả năng chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong thực tế ngày nay thì thầy thuốc rất thiếu... năng lượng, kể cả năng lượng vật chất và năng lượng tinh thần. Sống trong sự khó khăn, mệt mỏi… mà hàng ngày phải phục vụ cho số lượng bệnh nhân ngày càng đông khiến cho thầy thuốc không đủ sức để làm hài lòng tất cả bệnh nhân một cách đầy đủ như ước muốn. Thậm chí một số thầy thuốc vì khó khăn cuộc sống đã hành xử lệch lạc, trái với đạo đức nghề nghiệp của mình. Sự việc ngày càng trở nên phổ biến khiến cho xã hội cho rằng y đức đang xuống cấp là điều dễ hiểu.

2. Để nâng cao y đức như mong muốn của nhiều người, chúng ta còn thiếu những gì (cả về phía bác sĩ và xã hội) theo ý kiến cá nhân anh?

Gốc rễ của vấn để như trên đã nói, là ở chỗ thầy thuốc bị “thiếu năng lượng”.

Về năng lượng thể chất, thầy thuốc cần phải khỏe khoắn, làm việc vừa sức, không lo âu cơm áo gạo tiền, có đủ tài chính cho gia đình, cho việc học hành nâng cao kiến thức nghề nghiệp… “Vật chất quyết định ý thức”, thầy thuốc hiện nay đang bị đãi ngộ một cách thấp kém. Thu nhập chính thức không đủ bù đắp cho hoạt động nghề nghiệp hàng ngày. Có quá nhiều lo toan về vật chất làm chi phối tâm trí thầy thuốc.

Về năng lượng tinh thần, thầy thuốc phải luôn luôn được sống trong môi trường giáo dục đạo đức đúng nghĩa. Môi trường đó xuất phát từ gia đình đạo đức, bệnh viện đạo đức và bản thân thầy thuốc phải yêu mến những vấn đề đạo đức. Thực tế ngày nay thầy thuốc ít được sống trong môi trường như vậy. Mặc dù trên tường phòng làm việc có treo bao nhiêu điều về y đức, nhưng tác động của những điều đó không mạnh bằng sự thực đang diễn ra xung quanh. Nhiều Thầy Thuốc đã không đủ vững chải tinh thần để trở thành hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Theo đó, người thầy thuốc thì thiếu bản lĩnh tinh thần và xã hội thì thiếu đãi ngộ xứng tầm. Các điều ấy đều là thiếu năng lượng cả.

3. Có một thực tế dễ thấy là, khi bệnh nhân khám bệnh ở phòng khám tư sẽ được đối xử và tiếp xúc khác hẳn khám bệnh ở bệnh viện công. Sự phân biệt đối xử ấy có thể quy thành vấn đề của y đức hay không?

Ở bệnh viện tư, Thầy Thuốc được cung cấp nhiều “năng lượng” hơn, ít nhất là năng lượng về vật chất. “Có thực mới vực được đạo”, khi điều kiện sống được thỏa mãn, được sống trong hạnh phúc, Thầy Thuốc dễ dàng thực hành nghĩa vụ của mình, chia sẻ hạnh phúc cho người bệnh, làm giảm bớt đi nỗi đau của người bệnh. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, năng lượng vật chất cũng có thể chuyển hóa thành năng lượng tinh thần.

Mặt khác, các bệnh viện tư hoạt động theo môi trường kinh doanh, “khách hàng là Thượng Đế”, nên bệnh nhân được đối xử vừa theo đạo đức y khoa vừa theo đạo đức kinh doanh.

Bệnh nhân đến bệnh viện công thì chỉ nhận được dịch vụ tối thiểu là điều hiển nhiên.

Dù là bệnh viện công hay tư, vấn đề y đức chỉ đặt ra khi nhân viên y tế lạm dụng bệnh nhân để mưu lợi bất chính cho mình.

4. Nhiều bác sĩ trẻ tâm sự với tôi rằng, khi ra trường họ hăng hái đọc lời thề Hippocrates bao nhiêu thì khi va vấp thực tế, họ thấy rằng giữ được điều ấy khó khăn bấy nhiêu. Đối với anh, kết luận "nghèo thì khó giữ y đức" đúng bao nhiêu phần trăm.

Tinh thần các lời thề Hippocrate không cho phép làm hại bệnh nhân chứ không cấm thầy thuốc làm giàu. Mong ước có được một cuộc sống đầy đủ để nuôi thân, nuôi gia đình và phụng sự nghề nghiệp là điều đúng đắn. Nghề y là nghề dịch vụ cao cấp, bệnh nhân là khách hàng. Thầy Thuốc có quyền làm giàu nếu dịch vụ cho bệnh nhân tốt. Nhận thù lao cao không phải là tội lỗi, vấn đề là đừng bao giờ làm hại bệnh nhân.

Có lần tôi được nghe một vị Thầy đánh kính, nay đã quá cố, nói: “Anh muốn làm giàu hay muốn làm phúc? Đừng lẫn lộn điều này. Muốn làm phúc thì trước hết, anh phải làm giàu trước đã. Anh nghèo thì chẳng làm phúc được cho bao nhiêu người”.

Có lẽ những điều đó dễ dàng cho những Thầy thuốc tư nhân và khó cho thầy thuốc nhà nước. Làm ở bệnh viện công thì không thể làm giàu (chân chính) và cũng khó mà làm phúc (thực sự). Mọi quy chế hoạt động và y đức được nêu ra hầu như không có hồn, không có sức sống thật sự khiến cho Thầy Thuốc ở môi trường bệnh viện công thường rơi vào khó xử. Họ phải đấu tranh tư tưởng giữa đạo đức nghề nghiệp và nhu cầu vật chất hàng ngày.

Là người trí thức Thầy Thuốc phải biết tự xử trí sao cho tốt nhất trong những điều kiện khó khăn. Thầy thuốc cũng cần lên tiếng để xã hội đối xử đúng mức chứ không phải cúi đầu, than vãn và… làm bậy.

Ngoài ra, y đức không phải chỉ phản ánh mối quan hệ Thầy Thuốc – bệnh nhân một cách trực tiếp. Y đức còn được thể hiện ở chỗ Thầy Thuốc tự rèn luyện bản thân về học tập, nghiên cứu, sáng tạo… làm tăng khả năng và hiệu quả chữa bệnh. Sáng tạo ra một quy trình làm giảm xếp hàng cho bệnh nhân cũng đã là y đức.

Mặt khác, sự thiếu y đức không phải chỉ là chuyện của Thầy thuốc. Nếu như những nhà quản lý, những nhà hoạch định chính sách nào đã tạo nên môi trường, điều kiện khó khăn cho ngành y tế, tạo nền móng cho tiêu cực phát sinh trên toàn hệ thống y tế thì những người đó phải bị xem là thiếu y đức nghiêm trọng. Xét theo khía cạnh này thì thầy thuốc trở thành nạn nhân của chính sách, cần được bảo vệ.

Nghèo thì khó giữ y đức” dẫu đúng bao nhiêu phần trăm thì cũng phải đặt câu hỏi “Ai tạo ra nguyên nhân nghèo để dẫn đến hậu quả là thầy thuốc khó giữ y đức?”.

5. Có nhiều tấm gương bác sĩ nghèo mà vẫn giữ được y đức. Thái độ tiếp xúc lạnh lùng của bác sĩ với bệnh nhân bây giờ có thể đổ lỗi hoàn toàn cho đời sống khó khăn?

Tôi từng biết có nhiều Thầy Thuốc lớn tuổi đã trải qua thời kỳ và điều kiện khó khăn hơn hiện nay rất nhiều nhưng vẫn tận tâm phục vụ bệnh nhân đến trọn đời. Các Thầy ấy về hưu với hai bàn tay trắng cùng với một tâm hồn thanh thản, sung sướng vì đã tận hiến đời mình cho cuộc sống của bao người bệnh nghèo khổ khác. Cuối đời, cái mà những người Thầy đó có được chính là niềm tự hào nghề nghiệp, tinh thần trong sáng, được xã hội kính trọng… chứ không phải là có được bao nhiêu của cải từ việc hành nghề y. Những vị Thầy đó dù thiếu năng lượng vật chất nhưng lại có năng lượng tinh thần mạnh mẽ. Tinh thần này được hình thành từ đạo đức gia đình và sự tu luyện bản thân, điều cơ bản làm nên tố chất người Thầy Thuốc.

Đa phần Thầy Thuốc vẫn sống theo câu “giấy rách phải giữ lấy lề”, dẫu sống trong thiếu kém vẫn giữ thân tâm trong sạch và đi theo nghiệp y khoa chân chính.

Nếu bạn gặp một Thầy Thuốc không đối xử nhiệt tình vì quá mệt mỏi thì xin hãy thông cảm, người Thầy Thuốc đó đã cạn kiệt năng lượng rồi! Nếu bạn gặp một Thầy Thuốc nào đó lại có thái độ lạnh lùng nhằm mục đích vòi vĩnh bệnh nhân thì bạn đừng xem đó là Thầy Thuốc nữa.

PHAN XUÂN TRUNG

name: ductoan

Tuyet! that xuc dong vi nhung loi tam su chan thanh va thang than. mot ngoi but sac sao cho dau tranh cong bang va nhu cau toi thieu cua thay thuoc. mong anh co nhieu bai viet that sau sac va thang than tren tinh than coi mo cua chung ta voi xa hoi, chung ta voi cac nha quan ly y te. noi de hieu va chia se cung cong dong thay thuoc rat nhieu tam huyet voi nghe.

name: Nguyen Ngoc

Là 1 BS đã hành nghề trên 40 năm, nay đã về hưu, tôi có vài ý kiến "ăn gheo" về vấn đề y đức.

Đành rằng việc đãi ngộ của xã hội ảnh hưởng nhiều đến y đức, nhưng tôi thấy có 1 yếu tố khác cũng rất quan trọng. Theo tôi, y đức không không phải có nhờ có "pháp lệnh" bắt người ta phải có mà nó phải được giáo dục một cách căn cơ từ khi 1 người mới bước chân vào trường y khoa, phải được thấm nhuần trong tư tưởng, tình cảm của người làm ngành y qua tấm gương đạo đức của các thầy. Thời chúng tôi còn là sinh viên y khoa không ai là khôngkính phục các thầy, tất cả các thầy dạy ở trường y khoa đều là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Chúng tôi, không ai là không hãnh diện vì mình là sinh viên y khoa. Nhìn lại ngày nay thì sao? Pháp có ngạn ngữ "Thầy nào trò nấy" (Tel maitre, tel elève) thật đúng.

Thời trước xa thì không nói, nhưng thời chúng tôi ra trường (khoảng năm 1971) thì lương cũng không cao mấy, ai muốn có thêm để xài thì phải mở phòng khám tư, vậy mà tôi thấy các đồng nghiệp của tôi và cả tôi cũng làm việc rất tận tâm (tôi không dám nói là có đủ y đức chưa, nhưng chúng tôi thấy không hổ thẹn với lương tâm mình). cho nên tôi nghĩ có y đức hay không một phần lớn là do có được giáo dục hay không kế đến là do ảnh hưởng của xã hội (môi trường sống) rất nhiều, kinh tế cũng có phần ảnh hưởng nhưng là thứ yếu.

name: nguyentuan

Người thầy thuốc hoạt động trong điều kiện không phải lo lắng về cơm áo gạo tiền,tâm trí luôn thảnh thơi,dành hết thời gian cho công việc,bệnh nhân được đối sử công bằng,điều trị bệnh không mất tiền....đó là một xã hội mà nhân loại đang tiến tới,còn đến bao giờ thì không ai biết được cả.từ nay cho đến lúc ấy thì mọi điều lí luận,giải trình,giải pháp....chỉ là tương đối,méo mó..và nói cho hay thôi. nhiều ngàn đời nay nhân loại vẫn chưa có câu trả lời cho vấn đề này....

name: duong van luc

NGUOI dan VIET NAM minh. chuyen tot thi it truyen nhau nhung chuyen sau du rat nho thi ca xom ,ca xa ,ca phuong ,ca quan ,ca thanh pho ,tham tri 64 tinh thanh deu biet ngay . de roi nghi ai cung tieu cuc nhu minh. toi luon nghi va dung nhu vay !
AO TRANG NGANH Y MAI TRANG SANG MAI. van con rat rat nhieu cac thay thuoc cac y bac si van tan tam ,tan tui ,dam me ,miet mai ,sang tao ,cong hiem,cho no cho suc khoe nguoi dan. chuc nguoi dan ai ai cung khoe manh ,co the thi moi it tieu cuc . y ta moi trong sach. DAN ta moi khoi ca tham!!

name: Cổ Quốc Hữu

Toi cung la mot nguoi trong nghe, khi doc bai viet nay toi cung duoc an ui phan nao....lam nghe y mien sao giu duoc luong tam thanh than.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More