Tác giả khách mời & người viết mướntrong nghiên cứu y học

Vĩnh Phương

Khoa Tim Mạch

Bệnh Viện Khánh Hòa

Tạp Chí Y Học là một phần quan trọng trong việc đào tạo thường xuyên cho các bác sĩ và nhân viên y tế; chúng cung cấp các tiến bộ mới nhất, các thuốc tốt nhất, các phương pháp phẩu thuật thành công nhất, và đóng một vai trò then chốt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của con người. Các tạp chí cho rằng họ đã làm hết sức mình để xuất bản các nghiên cứu có chất lượng cao của các tác giả được độc giả tín nhiệm.

Theo Uỷ Ban Biên Tập Tạp Chí Y Học Quốc Tế (ICMJE: International Committee of Medical Journal Editors ), “tác giả” là người có những đóng góp trí tuệ thực sự cho một nghiên cứu đã công bố; nghĩa là họ phải bỏ nhiều công sức để hoàn thành nghiên cứu này. Để công nhận một tác giả, người ta thường căn cứ vào ba điều kiện: một là thiết kế nghiên cứu, thu thập & phân tích dữ liệu; hai là chuẩn bị cho bài báo và cuối cùng là phiên bản được phê duyệt để xuất bản.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, càng ngày người ta càng quan ngại rằng các Công Ty Dược đã lợi dụng y văn để quảng bá sản phẩm của mình. Các bác sĩ “đứng đắn” và các nhà khoa học “đáng kính” đã được trả tiền thù lao để đứng tên cho các nghiên cứu do các Công Ty Dược tài trợ - các nghiên cứu mà họ chẳng phải làm gì nhiều hoặc không đóng góp gì cả .

Khi nhìn vào danh sách liệt kê nhiều tác giả, độc giả không có cách nào biết được ai đã làm gì trong công trình nghiên cứu đó. Bạn nghĩ rằng tất cả các nhà khoa học tham gia vào một công trình nghiên cứu đều được nêu tên trong danh sách tác giả ? Câu trả lời là không phải lúc nào cũng như vậy. Đôi khi cũng có những tác giả “hữu danh vô thực” thường được gọi là tác giả “danh dự” (honorary authors); nhưngcũng có các tác giả “hữu thực vô danh”, còn được gọi là tác giả viết mướn (ghost authors).

Tác giả danh dự, còn được gọi là tác giả khách mời (guest author), được công nhận là tác giả của một nghiên cứu đã công bố, nhưng họ chẳng phải làm gì nhiều trong việc thiết kế nghiên cứu hoặc viết báo cáo. Họ là các Giáo sư, Bác Sĩ được trả tiền để đứng tên trên một bài báo mà họ không đóng góp gì cả. Đôi khi trong danh sách các tác giả lại có thêm một tên tuổi nổi tiếng nào đó để bài báo có nhiều cơ hội được xuất bản hơn; chẳng hạn người đó có thể là người đứng đầu của một Trường Đại Học đã thực hiện nghiên cứu. Chúng làm tăng sự tín nhiệm của độc giả đối với bài báo, nhưng cũng che dấu vai trò của Công Ty Dược trong việc vạch kế hoạch điều khiển và phổ biến công trình nghiên cứu. Đây là việc làm thiếu trung thực, nhưng vẫn luôn xảy ra; tuy nhiên không một loại bất lương nào có thể làm lung lay đức tin của con người làm nghề y.

Ngược lại tác giả viết mướn là người thực hiện các nghiên cứu nhưng lại không được công nhận. Họ là các nhà khoa học hoặc tác giả chuyên nghiệp được một Công Ty Dược thuê viết bài báo trên một Tạp Chí Y Học. Tên của họ không bao giờ xuất hiện trên tờ báo nên thường được gọi là “tác giả ma” (ghost author). Tác giả viết mướn là người nổ lực làm hết sức mình để hoàn thành bài báo nhưng lại không được ai công nhận, mặc dù không phải tất cả các tác giả viết mướn đều được trả tiền. Đứng về mặt khoa học, không có gì sai nếu một nghiên cứu liên quan đến các tác giả đã được trả tiền nhưng không biết họ là ai. Tuy nhiên, theo các nhà biên tập tạp chí thì tất cả những người làm việc trong một nghiên cứu đều phải chịu trách nhiệm.

Tác giả danh dự thường phổ biến hơn so với tác giả viết mướn và người ta cho rằng áp lực để được xuất bản trong giáo dục đại học có thể phải chịu một phần trách nhiệm đối với vấn đề này. Tác giả khách mời và tác giả viết mướn được dùng trong nhiều tình huống, bao gồm các công trình nghiên cứu về các thuốc mới và các bài tổng quan giúp các bác sĩ hiểu biết về một loại bệnh và cách chữa trị.

Tình trạng tác giả khách mời và tác giả viết mướn là một thực tiễn đáng ngờ trong các xuất bản phẩm y học nhưng lại có rất ít tư liệu để minh chứng. Vụ kiện năm 2004 có liên quan đến dược phẩm rofecoxib (VIOXX) của Công Ty Merck & Co Inc đã tạo một cơ hội độc đáo để Joseph S. Ross & CS tiến hành nghiên cứu trên các tư liệu từ 1996 đến 2004 được thu thập trong suốt thời gian điều tra vụ kiện này. Các tác giả đã kết luận rằng 92% các bản thảo thử nghiệm lâm sàng và 50% các bài báo tổng quan có liên quan đến dược phẩm rofecoxib đều được soạn thảo bởi các tác giả không được thừa nhận (tác giả viết mướn) nhưng lại quy cho các nhà nghiên cứu (đã được xác định tư cách về mặt học thuật) làm tác giả, tuy nhiên không phải lúc nào họ cũng công khai ủng hộ tài chính của nhà kinh doanh. Kết luận này đãphơi bày một hệ thống viết mướn được Công Ty Merck sử dụng để khuyến mãi dược phẩm Vioxx mà sau này đã bị rút ra khỏi thị trường vì những quan ngại về tính an toàn của nó.

Tháng 7/2009, tại một cuộc họp của các biên tập viên tạp chí y khoa quốc tế tổ chức ở Vancouver - Canada, ba nhà nghiên cứu của Đại học California - San Francisco đã trình bày các thông tin về chiến dịch tiếp thị của một Công Ty Dược bao gồm cả việc áp đặt các bài nghiên cứu khoa học ở các Tạp Chí Y Học. Trong những năm 1990, công ty dược phẩm Parke Davis đã trả tiền cho một công ty khác, Công TyMedical Education Systems, để công bố các bài báo trong các tạp chí nhằm quảng bá cho một trong các loại thuốc của họ. Công Ty Medical Education Systems đã làm việc với các tác giả được Parke Davis chọn để viết các bài báo, nhưng biên tập viên của Tạp Chí công bố các nghiên cứu đó đã không hay biết gì về sự dính líu của công ty này.

Không ai biết được tình trạng tác giả khách mời và tác giả viết mướn thực sự xảy ra phổ biến đến mức nào ? Một số điều tra đã cho thấy rằng chúng xảy ra trong khoảng từ 10-15% các bài báo. Annette Flanagin và Joe Wislar trong một bài viết trên Tạp Chí của Hội Y Học Mỹ (JAMA: Journal of the American Medical Association) đã chất vấn tác giả của 900 bài báo được xuất bản năm 2008 trên 6 tạp chí y khoa hàng đầu ở Mỹ và phát hiện rằng 21% tác giả danh dự, 6% là tác giả viết mướn & 2% cả hai. So sánh kết quả nghiên cứu tương tự năm 1996 với 19% tác giả danh dự, 12% tác giả viết mướn và 2% cả hai, họ ghi nhận tình hình tác giả viết mướn đã giảm từ 12% xuống còn 8% và cho biết họ hài lòng về tỉ lệ giảm này nhưng hy vọng sẽ giảm nhiều hơn trong tương lai.

Tác giả danh dự và tác giả viết mướn đều là những người vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xúc phạm đến sự tin cậy của độc giả và làm bóp méo y văn. Một số nhà nghiên cứu và biên tập viên cho rằng cần phải có những thay đổi để ngăn chặn tệ nạn vòi vỉnh yêu sách của các ngụy tác giả này. Một số đã kêu gọi các Tạp Chí Y Học xác định các bài báo viết mướn và ngăn cấm các tác giả của những bài báo này không cho công bố trong tương lai. Và cuối cùng, cần phải cải thiện trách nhiệm giải trình trước công chúng để phục hồi sự tín nhiệm của độc giả đối với các bài báo Nghiên Cứu Y Học.

Theo ykhoanet.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More