Thời Sự Y Học số 213

Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Chuyên Khoa Nội Thương và Cấp Cứu
preview

1/ NHỮNG TIẾN BỘ CỦA CÁC GHÉP CƠ QUAN
NHỮNG ĐIỂM MỐC
GHÉP (GREFFES). Sự phân biệt y khoa giữa các chữ “transplantation” và “greffe” có khuynh hướng mờ nhạt đi và chúng càng ngày càng được sử dụng như những chữ đồng nghĩa. Sự khác nhau giữa hai chữ là ở kỹ thuật ngoại khoa được sử dụng để lấy và đặt vào trở lại (réimplanter) cơ quan hay các mô được ghép.
CÁC CƠ QUAN. Ngày nay ta có thể ghép một cách thành công 6 cơ quan khác nhau. Thận là thường được ghép nhiều nhất. Tiếp theo là gan, tim, phổi, tụy tạng và các phần của ruột. Những yếu tố khác của cơ thể có thể được ghép : tủy xương, da, giác mạc, các động mạch, xương..
LỊCH SỬ. Vào bất cứ thời kỳ nào, ngay cả trong thời Thượng Cổ, con người đã cố gắng thay thế các chi hay các cơ quan bị thiếu hụt bằng những chi hay cơ quan khác. Các phẫu thuật ghép đầu tiên đã xảy ra vào đầu thế kỷ XX. Các thầy thuốc đã thử ghép thận heo hay dê. Những thất bại liên tiếp cho phép khám phá một trong những điều trở ngại của giải phẫu, phản ứng thải bỏ (réaction de rejet) của cơ thể nhận mẫu ghép (greffon). Sự rọi tia X (irradiation) các mẫu ghép này, sau đó được thay thế bởi những thuốc chống thải bỏ (médicaments antirejets) càng ngày càng tinh vi, đã cho phép trong những năm 1960 các phẫu thuật ghép (transplantation) phát triển.
HIẾN (DON). Khi đó là một người có khả năng hiến (un donneur potentiel) bị chết, người vừa chết, lúc còn sinh tiền, phải đã nói rõ rằng ông hay bà ta đồng ý thuận cho các cơ quan của mình. Tiếc thay tình huống này không phải là luôn luôn xảy ra. Khi việc lấy cơ quan (prélèvement) có thể thực hiện được về mặt y khoa, nếu gia đình trước đó đã không đề cập vấn đề hiến các cơ quan với người chết, thì họ có thể do dự và chống lại việc lấy các cơ quan. Ngay cả việc có một carte de donneur cũng sẽ không ngăn cản các thầy thuốc phải hỏi ý kiến của gia đình. Nhưng nếu việc hiến cơ quan bị chống lại, ta vẫn có thể ghi tên vào một registre national du refus. Từ việc lấy các cơ quan đến sự điều trị chống thải bỏ nơi người được ghép, thủ thuật ghép cơ quan đã trải qua những bước tiến kỹ thuật. Nhưng vẫn luôn luôn không có khá đủ những người hiến (donneur).
IMPLANTATION. Trong số 4705 ghép cơ quan vào năm 2010, chính các ghép thận đứng đầu (2889), tiếp theo là các ghép gan (1092), đứng xa trước các ghép tim (356) hay phổi (244). Sau những con số này, đó là hàng ngàn mạng người được cứu sống... và hàng ngàn người khác đang chờ đợi để được ghép.
“Hơn 14.000 người cần một ghép cơ quan vào năm 2010. Đó là 3 lần nhiều hơn hôm nay”, BS Alain Atinault, giám đốc của direction opérationnelle du prélèvement de la greffe (organes et tissus), thuộc Agence de la biomédecine, đã phàn nàn như vậy. Hậu quả, khoảng 250 người chết mỗi năm, vì đã không có thể hưởng được đúng lúc một ghép cơ quan, như ca sĩ trẻ tuổi Grégory Lemarchal, bị bệnh mucoviscidose. Vậy đối với Grégory và tất cả những người khác, tất cả phải được thực hiện để làm tối ưu việc thu nhận những mẫu ghép quý báu sẵn sàng để sử dụng.
HƯỚNG HÀNH ĐỘNG ĐẦU TIÊN
Lấy tất cả các cơ quan có thể có nơi một người hiến và không phải chỉ thận hay gan như đã được thực hiện từ bấy lâu nay. “Vào năm 2003, ta chỉ ghép 100 lá phổi mỗi năm, vì thiếu mẫu ghép, BS Marc Sternn chuyên khoa về ghép phổi (bệnh viện Foch ở Suresnes) đã nhận xét như vậy. Bắt đầu từ năm 2004, các mạng lưới lấy cơ quan (réseau de prélèvement) đã thực hiện những cố gắng thật sự và ta đã nhân lên 2,5 lần số các mẫu ghép phổi có sẵn sàng để sử dụng.” Điều đó vẫn không đủ vì phải cần đến 350 mẫu ghép, nhưng sự chênh lệch giữa các mẫu ghép được lấy và các mẫu ghép cần thiết được thu nhỏ lại. Trái với một thành kiến, tuổi của người hiến không phải là một yếu tố kềm hãm. Thật vậy chính tình trạng của các cơ quan mới đáng kể : ví dụ ngày nay, cứ mười quả thận thì gần 3 phát xuất từ những người hiến trên 60 tuổi, BS Atinault đã xác nhận như vậy.
HƯỚNG HÀNH ĐỘNG THỨ HAI
Giữ gìn tốt hơn những mẫu ghép được lấy : “Khi người hiến cơ quan chết, các cơ quan của người này chịu nhiều biến đổi, BS Corinne Antoine, chuyên gia về ghép thận (bệnh viện Saint -Louis) đã giải thích như vậy. Thế mà sự vận chuyển cổ điển (ở 4 độ C trong một chất dịch bảo quản) làm gia tăng các nguy cơ bị các di chứng. Chính vì thế người ta đang đánh giá các máy móc có khả năng duy trì cơ quan trong những tình trạng gần sinh lý chừng nào có thể được. Ngoài ra các máy này cho phép kiểm tra các cơ quan đúng là hoạt động tốt.” Như thế tránh phải loại bỏ một mẫu ghép có thể hơi ít “đẹp” hơn, nhưng hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm chức năng của nó. Đối với BS Stern, trong những năm đến, những máy này có thể xử lý vài biến đổi và như thế cho phép khôi phục các lá phổi hay những cơ quan khác đáng lý ra không được ghép trong tình trạng như vậy”. Ngoài sự kiện những máy móc mới này rất là tốn kém và không có mô hình phổ quát (những máy được sử dụng đối với tim là khác với những máy dùng cho phổi, thận), đó là một trong những tiến bộ lớn nhất được dự kiến trong một thời gian ngắn tới đây.
HƯỚNG HÀNH ĐỘNG THỨ BA
Giữ gìn tối đa mẫu ghép trong và sau can thiệp ngoại khoa. "Thí dụ ghép phổi đã được hưởng nhiều ECMO (oxygénation extracorporelle) trong những năm qua. Trái với tuần hoàn ngoài cơ thể (CEC: circulation extracorporelle), trong đó tuần hoàn máu được chuyển hoàn toàn ra ngoài cơ thể, kỹ thuật bổ khuyết các chức năng phổi này được dung nạp hơn nhiều. Được sử dụng trong và sau phẫu thuật, ECMO cho phép phổi mới được ghép phục hồi lại nhanh hơn và điều đó được thể hiện cụ thể bởi một tỷ lệ sinh tồn lúc một năm tốt hơn, BS Stern đã nhấn mạnh như vậy".
HƯỚNG HÀNH ĐỘNG THỨ TƯ
Sau cùng tìm những thuốc làm suy giảm miễn dịch (immunosuppresseur) mới, cũng hiệu quả nhưng ít độc hơn đối với người nhận. “Thật vậy, để một cuộc ghép thành công, hệ miễn dịch của người nhận (receveur) không thải bỏ cơ quan của người cho (donneur), và chính vì ta cho người nhận những thuốc như vậy suốt đời. Thế mà những thứ thuốc này độc đối với thận. Ngoài ra chúng làm gia tăng những nguy cơ nhiễm trùng và ung thư, bởi vì chúng tác động lên toàn bộ hệ miễn dịch và không chỉ lên những tế bào nhận biết mẫu ghép (greffon) như là một vật lạ”, BS Antoine đã nhắc lại như vậy.
Trong những năm đến, ta sẽ phải xác định tốt hơn những người nhận cần được điều trị nhất (do những chỉ dấu về nguy cơ thải bỏ mẫu ghép) và nhắm đích tốt hơn tác dụng của các thuốc làm suy giảm miễn dịch. Từ những tiến bộ này qua những tiến bộ khác, các kết quả tốt được mong chờ. “Trong các ghép phổi, chúng ta đã đạt được 80% những kết quả tốt sau một năm và chúng ta hy vọng chuyển qua 90% trong 3 hay 4 năm sắp đến. Đó là một hy vọng hiện thực vì lẽ vài kip trên thế giới đã đạt đến con số này”, BS Stern nói tiếp như vậy. Đối với thận, ta có thời gian nhìn lại nhiều hơn, các kết quả lại còn thuyết phục hơn : “Vào năm 2009, chúng ta đã có thể cho thấy rằng các máy vận chuyển các mẫu ghép thận làm gia tăng tỷ lệ sồng còn 4% sau một năm. Một tỷ lê đã rất là tốt, vì nó đạt đến 95%”, BS Antoine đã kết luận như vậy. Cái mức thành công biểu tượng 100% đã không bao giờ gần kề đến như thế. (LE FIGARO 7/2/2011) Đọc thêm :
2/ NHỮNG TRƯỜNG HỢP GHÉP KHÔNG CỐT TỬ
Ta có thể sống rất êm đẹp với một tụy tạng không còn có khả năng chế tạo ra hormone insuline nữa, như trong bệnh đái đường loại 1, và với các quả thận bi hỏng bởi chững bệnh đái đương này. Một cách đơn giản, phải dùng insuline suốt đời và nếu suy thận mãn tính quá tiến triển, phải chịu các thẩm tách (dialyse) 2 đến 3 lần mỗi tuần. Mặc dầu đó không phải là một vấn đề sinh tử, nhưng điều này làm giảm tuổi thọ và làm biến đối chất lượng sống. “Chính vì thế những người bị bệnh đái đường suy thận mãn tính trong giai đoạn tiến triển, nhưng có khả năng chịu được một can thiệp ngoại khoa khá nặng nề, có thể được ghép đồng thời một tụy tạng (96 trường hợp được thực hiện vào năm 2010) và một quả thận phát xuất từ cùng một người hiến, BS Lionel Badet, thầy thuốc chuyên khoa trong loại ghép này (Hospice Civils de Lyon), đã giải thích như vậy. Với những kết quả tốt, vì lẽ phần lớn những người được ghép này không cần đến thẩm tách nữa và 70% trong số những bệnh nhân này hoàn toàn không cần đến insuline 5 năm sau khi được ghép (85% đến 87% vào năm đầu tiên). Như thế tìm lại một chất lượng sống thật sự.”
Và khi ghép tụy tạng không thể thực hiện được vì lý do sức khỏe, vẫn còn có thể ghép “chỉ” những tế bào của các đảo nhỏ Langherans, nghĩa là những tế bào chế tạo insuline. “Những tế bào này được tiêm trực tiếp vào trong tĩnh mạch cửa nuôi gan, với gây tê tại chỗ. Ta không thể làm đơn giản hơn. Các kết quả thu được hơi ít tốt hơn so với ghép một tụy tạng vì lẽ khả năng hoàn toàn không cần đến insuline ít thường xảy ra hơn. Nhưng bằng cách duy trì một sự tiết cơ bản insuline, người bệnh đái đường dễ cân bằng đường huyết hơn nhiều. Chính vì vậy những người bệnh đái đường không ổn định, khiến họ chịu những đợt hạ đường huyết rất nghiêm trọng, là những người đầu tiên hưởng lợi nhờ phương pháp này”, BS Badet nói tiếp như vậy.
PHẨM GIÁ VÀ SỰ ĐỘC LẬP
Vậy ta không chỉ ghép để cứu mạng sống. Ta cũng ghép để cải thiện chất lượng của đời sống. Và điều lại còn mới hơn, đó là ngày nay ta ghép để tìm lại một cuộc sống xứng đáng (une dignité de vie). “Các loại ghép hỗn hợp (greffe composite), được gọi như thế bởi vì nhiều mô được ghép để tái tạo các bàn tay, cẳng tay, gương mặt,…, cho phép thoát khỏi một tình huống phế tật quan trọng, nguyên nhân của một cái chết xã hội (une mort sociale). Những thí dụ được biết đến nhất là những người bị cưa cụt hai bàn tay do tai nạn hay những người bị biến dạng mặt (défigurés), BS Badet đã xác nhận như vậy. Điều đó xảy đến cho khoảng 20 bệnh nhân mỗi năm, nơi những người ta đã dùng tất cả những giải pháp khác.” Những tin tốt lành là sau loại ghép này các bệnh nhân có thể lấy lại một cuộc sống bình thường và tìm lại được khả năng độc lập của mình. Ngoài ra, những phản ứng thải bỏ cũng được kiểm soát tốt như đối với bất cứ loại cơ quan nào khác. Tuy nhiên, sự phục hồi chức năng có thể rất dài lâu, đòi hỏi đến 3 hay 4 năm trước khi phục hồi hoàn toàn cảm giác và vận động của các bàn tay mới của mình. “Các ghép hỗn hợp được thực hiện cho đến nay nhằm vào các bàn tay, cánh tay, mặt, thanh quản, cũng như thành bụng kết hợp với các ghép ruột. Những giới hạn của ghép không ngừng lùi lại và các ghép hỗn hợp đang mở ra những loại ghép mới, trong điều trị những phế tật quan trọng”, BS Badet lấy làm sung sướng như vậy. (LE FIGARO 7/2/2011)
3/ UNG THƯ : PROTONTHERAPIE, MỘT TIẾN BỘ QUAN TRỌNG
Trong khi phóng xạ liệu pháp cổ điển sử dụng các tia X hay các điện tử, thì protonthérapie nhờ đến các proton. Các proton này đạt đến mục tiêu ở sâu với một sự chính xác lớn hơn và không ảnh hưởng lên các mô lành mạnh quanh khối u. Ở Viện Curie (Orsay), một trung tâm proton liệu pháp vừa mới mở cửa, với plateau technique là một trong những cơ sở hiệu nặng nhất của châu Âu. Nhờ một cánh tay kim loại “đẳng cự” (bras métallique isométrique) (một cấu trúc có đường kính khoảng 10 m và nặng hơn 100 tấn), chùm bức xạ từ nay có thể được định hướng quanh bệnh nhân theo tất cả góc đến. Như thế có khả năng điều trị những định vị mới của các khối u trong sọ, ngực, vùng chậu…Nhờ cánh tay isocentrique, những người bệnh bị những ung thư mà cho đến nay ta không thể tiếp cận được sẽ có thể được điều trị. Theo BS Sylvie Helfre, thầy thuốc chuyên về liệu pháp tia X (radiothérapeute) : “Các trẻ em sẽ là những bệnh nhân được hưởng nhiều nhất bởi vì kỹ thuật nhắm đích một cách hoàn hảo này cho phép bảo vệ tốt hơn các cơ quan có nguy cơ” (PARIS MATCH 3/2-9/2/2011) Đọc thêmhttp://www.yduocngaynay.com/1-1NgVThinh_News_nr51.htm (TSYH số 51, bài số 8)
4/ TẬP THỂ DỤC CÓ LỢI CHO TRÍ NHỚ CỦA NHỮNG NGƯỜI GIÀ
Điểm chủ yếu
- Ta thường nghĩ rằng sự thoái hóa của trí nhớ do tuổi già là không đảo ngược được.
- Sai, những nhà nghiên cứu đã chứng tỏ như vậy. Họ đã chứng minh rằng thùy hải mã (hippocampe) của những người hoạt động có thể lớn lên.
Sự luyện tập tim mạch vừa phải và đều đặn, như bước, cải thiện trí nhớ của những người trên 55 tuổi và ngăn cản một sự suy tàn của các năng lực tinh thần (capacité mentale) liên kết với sự lão hóa, theo công trình nghiên cứu được công bố hôm thứ hai trong PNAS. Đó là công trình nghiên cứu đầu tiên được tiến hành trên những người trưởng thành mạnh khỏe trên 55 tuổi và cho thấy những dấu hiệu bình thường của sự teo hồi hải mã, một vùng của não bộ đóng một vai trò chủ chốt đối với trí nhớ.
Những công trình nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng vùng này của não bộ hẹp dần lại một cách tự nhiên suốt trong cuộc sống của người trưởng thành, ảnh hưởng lên trí nhớ và làm gia tăng các nguy cơ bị sa sút trí tuệ (démence). Nhưng phải chăng điều đó không thể đảo ngược được ? Để biết được điều đó, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu một nửa trong số 120 người tuổi từ 55 đến 80, nhàn rổi không hoạt động và không bị chứng sa sút trí tuệ, thực hiện bước, có mức độ, 40 phút mỗi ngày, 3 ngày mỗi tuần trong khi nửa kia chỉ luyện tập làm mềm thân thể (exercices d’assouplissement).
Chụp hình ảnh bằng cộng hưởng điện từ não bộ của những người bước (marcheur) đã cho thấy rằng thể tích của thùy hải mã trái và phải đã gia tăng 2,12% và 1,97% sau một năm. Ngược lại, những thành phần khác chịu một sự giảm 1,40 và 1,43% của cùng hai vùng của não bộ, một hiện tượng được cho là bình thường với sự lão hóa. Theo các nhà nghiên cứu này, sự luyện tập tim mạch (exercice cardiovasculaire) làm gia tăng các nồng độ của một protéine, BDNF, thuộc vào một họ các yếu tố hướng thần kinh (facteur neurotrophique), thiết yếu cho sự sống còn và sự tái sinh của các neurone chủ chốt để tạo nên những năng lực ghi nhớ mới. Các nhà nghiên cứu đã khám phá rằng sự gia tăng thể tích của hồi hải mã được liên kết với một sự gia tăng của protéine này trong máu.
Mặt khác, một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã hiệu chính một chất chỉ dấu sinh học (biomarqueur) của bệnh Alzheimer. Tác nhân này, Florbetapir F18, cho phép phát hiện trong não bộ một protéine, bêta-amyloide. Sự tích tụ của protéine này, được quan sát trong não bộ khi giải phẫu tử thi, được nghi ngờ đóng một vai trò quan trọng trong căn bệnh này do tạo nên những mảng bêta-amyloide trong các vùng vỏ não.
Florbetapir F18 gắn vào và “soi sáng” các lắng đọng bêta-amyloide lúc chụp scanner. Thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành với 35 bệnh nhân già ở một giai đoạn tiến triển của bệnh Alzheimer. Các kết quả của trắc nghiệm đã được kiểm chứng bằng giải phẫu tử thi sau khi chết và đã đúng đắn trong 96% các trường hợp. Các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng kỹ thuật chụp hình ảnh này nơi 75 người trẻ hơn (18-50 tuổi) bình thường không có mảng bêta-amyloide để hiểu rõ hơn tần số của các trắc nghiệm âm tính giả trong việc giải thích các hình ảnh. “ Công trình nghiên cứu lâm sàng này của kỹ thuật chụp hình ảnh này cho thấy rằng thủ thuật này có thể nhận diện các mảng bêta-amyloide trong não bộ của những người khi họ còn sống, các tác giả của thử nghiệm này đã viết như vậy trong JAMA. Một công trình nghiên cứu khác, được công bố trong cùng tờ báo, chỉ rõ rằng các nồng độ thấp hơn trong máu của các mảng của protéine beta-amyloide này có thể tiên đoán một người có một nguy cơ cao hơn bị sa sút trí tuệ trong 9 năm sắp đến hay không và điều này, ngay cả trước khi các triệu chứng xuất hiện.
“TẬP THỂ DỤNG LÀM CHẬM LẠI SỰ THOÁI HÓA TRÍ TUỆ ”
Rõ ràng là, cái điệp khúc, theo đó các tế bào thần kinh không thể được tái tạo trong suốt cuộc đời, dường như đúng là rất sai trái, mặc dầu không nên đánh giá quá mức tiềm năng tái tạo này. Vậy một hoạt động vật lý có mức độ, làm lợi cho trí nhớ qua việc tiếp lại sức sống của các vùng kế cận với hồi hải mã, không phải là một tin làm tôi ngạc nhiên ghê gớm. Ta đã chứng thực điều đó nơi những người bị trầm cảm, nơi những người này hồi hải mã bị teo lại rồi trở nên phát triển sau khi được điều trị. Ta có thể xác nhận không nguy cơ bị nhầm lẫn rằng tập thể dục, ngay ở mức độ vừa phải, làm chậm lại các cơ chế làm thoái hóa trí tuệ (dégénérescence mentale) ”, BS Jean-Christophe Bier, thầy thuốc chuyên khoa thần kinh, chuyên điều trị bệnh Alzheimer ở bệnh viện đại học Erasme (ULB, Bỉ), đã giải thích như vậy. “Điều gây ngạc nhiên nhất, đó là ta không biết tại sao. Đó có phải là do lưu lượng máu ? Một sự xây dựng lại các khớp thần kinh (synapse) ? Có khả năng nhất kết quả này là do một sự thôi thúc các tế bào thần kinh (sollicitation neuronale) ”.
Về việc sử dụng một chất chỉ dấu sinh học mới nhằm phát hiện các mảng của protéine beta-amyloide, BS Jean-Christophe Bier thấy nơi đó “một công cụ bổ sung, cạnh tranh với hai dự kiến khác cũng rất tiên tiến. Chất chỉ dấu sinh học rất hữu ích để thấy được sự tiến triển của mảng beta-amyloide, nhưng một mình, điều đó không cho phép chẩn đoán bệnh Alzheimer. Nhất là hôm nay, vẫn không có một điều trị nào cho căn bệnh cả, ngoài vài giải pháp nhằm làm chậm lại sự tiến triển của nó. Tuy nhiên, cái ngày mà ta sẽ có được một điều trị như thế, loại chụp hình ảnh được cải thiện này sẽ rất hữu ích để xác định giá trị của một loại thuốc, nhằm xem nó có tác dụng hay không lên các mảng beta-amyloide được tích tụ. Tuy nhiên còn phải chắc chắn rằng loại thuốc tương lai chống lại bệnh Alzheimer này sẽ tấn công đúng vào protéine này chứ không phải vào một cơ chế sinh học khác, còn cần phải khám phá ”…(LE SOIR 2/2/2011) Đọc thêm :
5/ UNG THƯ TRỰC TRÀNG : MỒ QUA RỐN
Nhờ một kỹ thuật nội soi tiên tiến, được hiệu chính ở Hoa Kỳ và cho phép một động tác ngoại khoa ít xâm nhập, một kíp các thầy thuốc ngoại khoa người Thổ vừa mổ thành công 4 bệnh nhân bị một ung thư trực tràng, với một đường xẻ 3 cm ở rốn. Cơ vòng hậu môn của các bệnh nhân đã được bảo tồn, săn sóc hậu phẫu được đơn giản hóa và thời gian nằm viện trung bình chỉ 4 ngày. (PARIS MATCH 10/2-16/2/2011)
6/ GIỌNG NÓI CỦA NGƯỜI MẸ KÍCH THÍCH SỰ RÈN LUYỆN NGÔN NGỮ CỦA TRẺ SƠ SINH
Điểm chủ yếu :
- Trẻ sơ sinh duy trì một mối quan hệ ưu tiên với người mẹ của mình.
- Nó cũng phản ứng hơn với giọng nói của bà mẹ.
- Công trình nghiên cứu ở Montréal lần đầu tiên cho thấy não bộ của một em bé mới sinh ra vài giờ phản ứng như thế nào với các kích thích khác nhau.
Theo một công trình nghiên cứu của Canada, người mẹ là người khởi xướng chủ yếu của ngôn ngữ nơi nhũ nhi. Điều này gợi ý một mối liên hệ sinh - thần kinh (lien neurobiologique) giữa việc thụ đắc ngôn ngữ trước khi sinh và các năng lực vận động cần thiết để nói.
Trong não bộ thành thục của người lớn, có những vùng đặc hiệu để cảm nhận giọng nói, đặc biệt lắng nghe những giọng nói quen thuộc. Nhưng ta biết không bao nhiêu về phương cách não bộ của nhũ nhi xử lý những thông tin này.
Một nhóm nghiên cứu của Đại Học Montréal và của Trung tâm nghiên cứu của CHU Sainte-Justine đã nghiên cứu phương cách các trẻ sơ sinh xử lý giọng nói của người mẹ so với giọng nói của một người xa lạ. Maryse Lassonde (khoa Tâm Lý học thuộc đại học Montréal) và các đồng nghiệp đã thực hiện các ghi điện sinh lý (enregistrements électrophysiologiques) trên 16 trẻ sơ sinh trong 24 giờ sau khi chúng sinh ra đời. Nhóm của GS Lassonde đã cắm các điện cực trên đầu của các em bé trong lúc chúng ngủ. “Chúng tôi đã yêu cầu người mẹ của những đứa trẻ này phát ra một âm ngắn của nguyên âm “a”, như trong chữ “allo”, GS Lassonde đã giải thích như vậy. Sau đó chúng tôi đã lập lại với một giọng nói khác, thí dụ giọng nói của cô y tá đã mang em bé đến phòng thí nghiệm (các giọng nói của hai phụ nữ đều giống nhau). Khi người mẹ nói, các nhấp nháy đồ (scintigramme) đã chỉ rất rõ rằng các phản ứng trong thùy thái dương trái, và đặc biệt là trong vòng phụ trách xử lý ngôn ngữ và lời nói vận động (circuit du traitement linguistique et verbo-moteur) khi em be nghe người mẹ nói. Ngược lại khi một người khác nói, chính thùy thái dương phải (liên kết với sự nhận biết âm thanh) đã phản ứng lại”.
Vậy nhưng kết quả gợi ý rằng, ít lâu sau khi sinh, các trẻ sơ sinh xử lý một cách phân biệt giọng nói của mẹ chúng ở một mức tiền chú ý sớm (préattentionnel précoce) và sau đó, ở một mức nhận thức (cognitif).Thật vậy, sự tiếp xúc sớm với giọng nói của người mẹ gây nên một sự xử lý ngôn ngữ thích đáng, trong khi giọng nói của người lạ gây nên những đáp ứng đặc hiệu hơn với giọng nói. Như thế giọng nói của người mẹ hoạt hóa các vùng não bộ chịu trách nhiệm về việc học tập ngôn ngữ.
SAINTE MERE
"Ta đã biết rằng các em bé có vài năng lực ngôn ngữ bẩm sinh, nhưng các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu hiểu những khả năng này là gì và chúng hoạt động như thế nào. Thí dụ, khi một em bé nghe tiếng “a”, chiếc miệng của nó lấy hình dáng cần thiết để bắt chước tiếng động này, mặc dầu nó đã không bao giờ thấy một người nào đã phát ra âm thanh đó”, Maryse Lassonde đã nói thêm vào như vậy.
Tính chất đặc biệt của mô hình hoạt hóa của não trái trội, tiếp theo bởi một sự hoạt hóa trung tâm quan trọng hơn, lúc đáp ứng lại gong nói của người mẹ có thể là chỉ dấu sinh lý thần kinh (indice neurophysiologique) của vai trò ưu tiên của người mẹ trong sự thụ đắc ngôn ngữ của em bé. (LE JOURNAL DU MEDECIN 1/2/2011) Đọc thêm :
7/ BỆNH KAHLER
Con của thầy thuốc và chính mình cũng là thầy thuốc ở Prague, Otto Kahler nổi tiếng về những công trình về tủy xương và, đặc biệt hơn, về đau tủy xương (myélome multiple des os). Ngoài ra, đây là một ung thư sẽ làm quan tâm nhiều thầy thuốc, do đó bệnh này có nhiều tên gọi khác nhau.
Otto Kahler, sinh năm 1849 và là con của một thầy thuốc, nên dĩ nhiên đã theo cùng con đường của bố mình và có được bằng Tiến sĩ y khoa lúc 22 tuổi, ở Prague, thành phố sinh ra ông. Gia đình ông khá giả và cho ông đi du học ở Paris, nơi đây ông hằng lui tới với Charcot và Duchenne de Boulogne. Những người này đã làm cho ông ham thích môn cơ thể bệnh lý của hệ thần kinh trung ương. Ông trở lại Prague và Clinique médicale của mình, nơi đây ông trở thành trợ lý nội khoa (assistant en médecine interne) rồi trở thành giáo sư lúc 33 tuổi.
Tuy vậy ở Trung Âu, ông tiếp tục giảng Phúc Âm theo Charcot, về phương pháp trong y khoa lâm sàng và thần kinh học của người thầy thuốc chuyên khoa thần kinh nổi tiếng ở Paris này. Cùng với thầy thuốc chuyên khoa tâm thần kinh (neuropsychiatre) Arnold Pick, trong vòng 4 năm ông đã viết : Bệnh học có quan hệ chặt chẽ và cơ thể bệnh lý của hệ thần kinh trung ương (1879) và năm sau, cùng với Pick ông đặt tên cho cái đã trở thành “Luật Kahler-Pick”. Lý thuyết phức hợp này phát biểu rằng các sợi thần kinh, khi đi vào ở một mức cao của cột sống sau của tủy sống, sẽ di chuyển những sợi thần kinh vào phía trong, đến một mức thấp hơn, để tạo nên bó gai thị (faisceau spinothalamique).
NGHIÊN CỨU VỀ BỆNH ĐAU TỦY (MYELOM MULTIPLE)
Ông cũng là người đầu tiên mô tả những triệu chứng của bệnh syringomyélie (bệnh rỗng tủy sống). Bất thường này thể hiện sự hiện diện của một kênh (canal) hay một ống dẫn (conduit) (syrinx) trong tủy sống (myélos). Là dị dạng bẩm sinh hay thứ phát, sau một chấn thương tủy hay không, bệnh syringomyélie nói chung được phát hiện ở người trưởng thành trẻ tuổi và gây nên những dấu hiệu đặc biệt của thương tổn tủy sống : các rối loạn cảm giác, nhưng cũng đôi khi vận động, thuộc loại bại liệt hai chi dưới (paraplégie) hay 4 chi (tétraplégie), có tiến triển nói chung âm ĩ trên nhiều chục năm trời.
Vào lúc 40 tuổi, Kahler được mời đến Viennne để thay thế Heinrich von Bamberger để lãnh đạo Clinique médicale và chính vào năm này ông đã hoàn thành các công trình cơ bản của ông về triệu chứng học của myélome multiple. Ông kết bạn với Nothnagel, thầy thuốc chuyên khoa thần kinh của Vienne, thân cận với nền quân chủ Áo-Hung. Ông này làm Kahler nổi danh qua bài thuyết trình của mình “về tính chất và tiến triển lịch sử của chẩn đoán của chúng ta” và xem Kahler là một người giảng dạy “rõ ràng, rõ ràng và trong sáng!”
Bất hạnh thay, một năm sau, Kahler phát bệnh ung thư lưỡi và người phụ tá của ông, Frierich Kraus thay thế ông. Kahler qua đời 3 năm sau ở Vienne, vài tuần sau ngày sinh nhật thứ 44 của ông. Mặc dầu cuộc đời ngắn ngủi, Kahler được xem như là một trong những nhà lâm sàng quan trọng nhất của thời đại ông.
MỘT UNG THƯ RẤT ĐƯỢC NGHIÊN CỨU
Kahler là người mô tả nổi tiếng nhất về bệnh myélome multiple nhưng mặc dầu “bệnh Kahler” sử dụng tên ông trong nhiều nước, nhưng đó không phải là người mô tả duy nhất về căn bệnh này. Ta biết bệnh myélome multiple dưới nhiều danh xưng khác nhau. Camillo Bozzolo, thầy thuốc người Ý đương thời với Kahler, đã học ở Đức và Áo trước khi trở lại Turin. Bozzolo nổi tiếng về các công trình của mình trong lãnh vực huyết học, kể cả các di căn ung thư trong tuần hoàn máu. Mặc dầu ta thường gọi là bệnh Kahler cũng như bệnh Bozzolo, nhưng cũng không hiếm khi tìm thấy chúng liên kết trong thuật ngữ “bệnh Kahler-Bozzolo”.
Về phần mình, Henry Bence Jones là người đầu tiên hiệu chính một trắc nghiệm phát hiện protéine nước tiểu liên kết với myélome vào năm 1847, hai năm trước khi Kahler sinh ra đời và việc mô tả vào năm 1850 trường hợp lâm sàng đầu tiên này ở Luân Đôn, bởi nhà lâm sàng điều trị bệnh nhân, BS Macintyre, đã sinh ra hai chữ đồng nghĩa khác: hội chứng Bence Jones và hội chứng MacIntyre. Ở Nga, chính BS von Rustitskii đã mô tả vào năm 1873 cùng căn bệnh, 16 năm trước Kahler và đã đặt tên là “myélome” trong khi Kahler thêm vào tính từ “multiple”. Độc lập nhau, một thầy thuốc Anh đương thời, BS Huppert, cũng đã nghiên cứu về căn bệnh này, do đó còn có một tên gọi khác là hội chứng Huppert. Sau cùng vào năm 1900, một người Mỹ, James Homer Wright gắn liền tên tuổi với myélome multiple do ông đã khám phá những tương bào (cellules plasmatiques), dấu hiệu đặc hiệu của bệnh myélome. Ông đề nghị thuật ngữ “plasmome” để chỉ tất cả các myélome nhưng từ ngữ này sẽ vẫn rất ít được sử dụng. (LE GENERALISTE 3/2/2011)
Ghi chú :
- Myélome multile (Đa u tủy) hay bệnh Kahler : sự tăng sinh ác tính của các tương bào (plasmocyte) trong tủy xương. Bệnh đa u tủy nói chung phát triển nơi những người trên 50 tuổi. Bệnh có thể được khám phá nhân các triệu chứng đau xương đề kháng với các thuốc giảm đau, một tình trạng thiếu máu, một sự gia tăng quan trọng của tốc độ trầm lắng, suy thận, hay nhiễm trùng tái phát, nhất là phổi.
8/ HÚT THUỐC GÂY NHỮNG TỔN HẠI DI TRUYỀN TRONG VÀI PHÚT
Một công trình nghiên cứu mới của Hoa Kỳ, công trình đầu tiên xem xét những tác dụng của thuốc lá lên ADN, chứng minh sự xuất hiện của một sản phẩm gây ung thư trong máu, chỉ 15 đến 30 phút sau khi hít hơi thuốc đầu tiên. Vài bouffée de tabac và nguy cơ ung thư phổi đã ở đó rồi ! Những tác hại của thuốc lá không cần phải chứng minh nữa, nhưng tốc độ những tác hại này xuất hiện mới làm ngạc nhiên : sản phẩm vừa mới được hít vào, thì nó đã gây độc rồi. Chỉ cần chưa được hơn 30 phút thì thuốc lá đã tấn công những tế bào và gây nên những biến dị di truyền, đuợc ghi khắc trực tiếp trong ADN của người hút thuốc tích cực và người hút thuốc thụ động, và có thể gây nên những nguy cơ ung thư.
“Tác dụng nhanh đến độ nó tương đương với sự tiêm trực tiếp chất thuốc lá vào máu”, trong phần kết luận các tác giả của công trình nghiên cứu đã giải thích như vậy. Nghiên cứu này được tài trợ bởi viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ. Theo họ kết quả này là “một lời cảnh cáo nghiêm khắc” đối với những người hút thuốc lá hay tất cả những người bị cám dỗ bởi herbe à Nicot. Bởi vì, như OMS nhấn mạnh, không hiện hữu những điếu thuốc tốt. Nói một cách khác, ngay hơi thuốc đầu tiên, các nguy cơ đã ở đó rồi.
TÁC DỤNG CỦA CÁC HAP
Trên thực tiễn, GS Stephen Hecht, một chuyên gia được quốc tế công nhận về những chất sinh ung thư hiện diện trong khói thuốc lá và các đồng nghiệp của Đại Học Minnesota, đã tiến hành một công trình nghiên cứu nơi 12 người hút thuốc tình nguyện. Họ đã theo dõi dấu vết, trong máu của những người này, những độc chất được chứa trong khói thuốc lá và được gọi là HAP (hydrocarbures aromatiques polycycliques). Đặc biệt họ thêm vào một chất chỉ dấu cho một loại của HAP, phénathrène, một chất đặc biệt có hại, để khảo sát tác dụng của nó mà không ảnh hưởng lên những nguồn tiếp xúc khác như sự ô nhiễm ăn uống và chế độ ăn uống. GS Hecht đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng thực tính chất nhanh chóng của các tổn hại được gây nên bởi các HAP. Chúng tác động như những yếu tố gây ung thư đáng sợ trên cả đoạn đường mà thuốc lá đã đi qua : môi, lưỡi, hau, thanh quản, phế quản Ông cũng đã nhận xét rằng phénanthrène gây nên những biến dị nơi ADN của các tế bào, có thể dẫn đến một ung thư. Thế mà, mức tối đa của chất này trong máu đã đạt được 15 đến 30 phút sau khi chỉ đã hút một điếu thuốc mà thôi.
GÂY CHẾT NGƯỜI NHẤT
Kết quả này gây ngạc nhiên. Cùng cách như vậy, sau một thời gian lâu người ta đã hằng tin rằng phải cần nhiều tháng hay nhiều năm để bệnh nghiện thuốc lá có thể được thành hình, thì giờ đây người ta biết rằng những cơ chế lớn gây phụ thuộc (dépendance) được thiết lập ngay những điếu thuốc lá đầu tiên. Mặt khác, chứng nghiện thuốc lá, nguồn gốc của hơn 5 triệu người chết mỗi năm trên thế giới, được liên kết không những với ung thư phổi, căn bệnh giết người nhất, và là ung thư gia tăng nhiều nhất vì lẽ hơn 12 triệu trường hợp mới được chẩn đoán mỗi năm, nhưng cũng được liên kết với 18 loại ung thư khác, ảnh hưởng lên một chục cơ quan và hệ cơ quan, các nhà nghiên cứu đã nhắc lại như vậy. Những đích chủ yếu : mũi và hầu, thận, miệng và môi, bàng quang, tụy tạng, thanh quản, thực quản, các cơ quan tiêu hóa, các xoang mũi (sinus). Đó là chưa kể đến những tổn hại của nhiễm độc thuốc lá thụ động, chịu trách nhiệm 600.000 tử vong mỗi năm.
Với khám phá mới này, các nhà khoa học hy vọng thuyết phục vài người hút thuốc bỏ thói quen xấu của mình đi.. (LE JOURNAL DU MEDECIN 28/1/2011) Đọc thêm :
9/ LÀM LẠNH ĐỂ CHỐNG LẠI TỐT HƠN TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO
Hạ thân nhiệt điều trị (hypothermie thérapeutique) có thể làm gia tăng một cách đáng kể tỷ lệ sống sót sau các tai biến tim mạch, theo mạng châu Âu về nghiên cứu hạ thân nhiệt. Những dữ kiện mới khoa học đã xác định rằng “sự làm lạnh vài độ các bệnh nhân có thể, không những cải thiện một cách đáng kể các tỷ lệ sống sót, mà còn làm giảm nguy cơ mắc phải phế tật vật lý”, theo Malcolm Mac-Leod, trưởng khoa Khoa học thần kinh thực nghiệm (Neuroscience expérimentale) Edimbourg. Hạ thân nhiệt là một loại hibernation của não bộ, cho phép làm chậm lại nhu cầu oxy và giúp ngăn ngừa những tổn hại khác. Mục tiêu là làm hạ nhiệt độ của cơ thể người xuống 35 độ C. (LE SOIR 27/1/2011) Đọc thêm :
10/ SÓN TIỂU : MỘT TIẾN BỘ VỚI TOXINE BOTULIQUE
GS Emmanuel Chartier-Kastler, thầy thuốc chuyên khoa ngoại tiết niệu thuộc bệnh viện Pitié-Salpêtrière (Paris).
Hỏi : Ta ít nói về són tiểu (incontinence urinaire : sư đái không kềm chế được, đái dầm), chủ đề này có vẻ cấm kỵ. Rối loạn này có thường xảy ra không ?
GS Chartier-Kastler. Vâng, vì lẽ chứng bệnh này ảnh hưởng lên 3 đến 5 triệu người ở Pháp. Có hai dạng. 1. Són tiểu lúc gắng sức (incontinence d’effort), thường xảy ra nhất nơi phụ nữ. 2. Són tiểu do thôi thúc (incontinence par impériosité, par urgence), xảy ra ở cả hai giới sau 50 tuổi.
Hỏi : Trong đời sống hàng ngày, những hậu quả của chứng bệnh này là gì ?
GS Chartier-Kastler. Trước hết người ta cảm thấy xấu hổ (nhất là những người bị són tuổi do thôi thúc), ngăn cản họ không muốn đi khám bệnh. Trong vài trường hợp rất nghiêm trọng, những rối loạn có thể dẫn đến một sự tách rời xã hội (désocialisation), với nỗi sợ lúc phải ra khỏi nhà. Són tiểu lúc gắng sức nói chung là hậu quả của thai nghén, sinh đẻ, mãn kinh hay tăng thể trọng. Còn són tiểu do thôi thúc (incontinence par impériosité), cao tuổi thường nhất là nguyên nhân của chứng bệnh này. Bàng quang, lúc về già, trở nên quá hoạt động. Nó co lại một cách không tự ý.
Hỏi : Cho mãi đến nay, những điều trị cổ điển là gì ?
GS Chartier-Kastler. Về chứng són tiểu xảy ra lúc gắng sức, vài kỹ thuật ngoại khoa cho phép hủy bỏ chứng bệnh này. Đối với són tiểu do thôi thúc, điều trị trước hết là nội khoa, với các thuốc anticholinergique nhằm ngăn cản những co thắt bất thường của bàng quang. Nếu điều trị này không đủ, ta có thể đề nghị cắm một pacemaker bàng quang. Những liệu pháp này thường kèm theo những buổi phục hồi chức năng (séances de rééducation) các cơ của đáy chậu.
Hỏi : Những kết quả thu được với những phương thức khác nhau này là gì ?
GS Chartier-Kastler. Khoảng 2/3 các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc có một sự cải thiện với một liều mỗi ngày. Bệnh tái xuất hiện ngay khi ngừng điều trị. Mặt khác, những loại thuốc này có khả năng gây nên những tác dụng phụ (táo bón, miệng và mắt khô), điều này giải thích tại sao gần một nửa các bệnh nhân phải bỏ thuốc.
Hỏi : Protocole của điều trị mới đây bằng toxine botulique là gì ?
GS Chartier-Kastler. Trước hết, không nên hoảng sợ với chữ “toxine”, bởi vì độc tố này đã được sử dụng từ hơn 20 năm qua trong nhãn khoa và chuyên khoa tiêu hóa. Về các són tiểu, mục đích của toxine này là làm giảm một sự co bóp không tự ý của cơ bàng quang. Trong lãnh vực này, trước hết toxine botulique được chỉ định nơi những người bị són tiểu do bại liệt hai chi dưới (incontinence paraplégique) hay bị bệnh xơ cứng rải rác (sclérose en plaques). Bây giờ toxine botulique được đề nghị cho những bệnh nhân đề kháng với điều trị nội khoa cổ điển và cho những bệnh nhân đã bỏ điều trị này. Toxine botulique được tiêm vào thành bàng quang bằng kỹ thuật nội soi và trên cơ sở ngoại trú. Chiếc kim tiêm được hướng dẫn dưới con mắt của caméra. Gây mê có thể tại chỗ hay tổng quát. Hiệu quả của điều trị kéo dài từ 6 đến 9 tháng. Sau thời hạn này phải lập lại buổi tiêm chích.
Hỏi : Công trình nghiên cứu nào đã chứng tỏ tính hiệu quả của điều trị mới này ?
GS Chartier-Kastler. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về điều trị này. Trong số những công trình mới nhất, công trình quốc tế của BS Dmochowski, thầy thuốc chuyên về niệu khoa Hoa Kỳ, được thực hiện trên 313 bệnh nhân đề kháng với các loại thuốc, đã cho phép ghi nhận được những kết quả tốt : 60% những người đã tham gia thử nghiệm này đã hưởng được một sự cải thiện hay một sự biến mất phế tật của họ trong trung bình 6 tháng.
Hỏi : Tóm lại, những ưu điểm của phương pháp điều trị mới này là gì ?
GS Chartier-Kastler. 1. Không phải uống thuốc mỗi ngày, như thế không bị bó buộc. 2. Phương pháp cho thuốc đơn giản và có thể đảo ngược được. 3. Không có tác dụng phụ với liều lượng đúng đắn. 4. Cải thiện nhiều chất lượng đời sống. 5. Không đau và không gây sẹo. 6. Trị liệu này cho phép điều trị những bệnh nhân vốn bị thất bại trị liệu. (PARIS MATCH 3/2-9/2/2011) Đọc thêm :

BS NGUYỄN VĂN THỊNH, Chuyên Khoa Nội Thương và Cấp Cứu
(14/2/2011)

TAGS: Ghép (Transplantation), Greffe, Réimplanter, Mẫu ghép (Greffon), Thuốc chống thải bỏ (Médicaments antirejets), Người hiến (Donneur), ECMO (Oxygénation extracorporelle), CEC (Circulation extracorporelle), Suy giảm miễn dịch (Immunosuppresseur), Ghép hỗn hợp (Greffe composite), Thùy hải mã (Hippocampe), Năng lực tinh thần (Capacité mentale), Sa sút trí tuệ (Démence), Luyện tập tim mạch (Exercice cardiovasculaire), Chỉ dấu sinh học (Biomarqueur), Bêta-amyloide, Alzheimer, Liên hệ sinh-thần kinh (Lien neurobiologique), Ghi điện sinh lý (Enregistrements électrophysiologiques),Tiền chú ý sớm (Préattentionnel précoce), Nhận thức (Cognitif), Bó gai thị (Faisceau spinothalamique), Syringomyélie (Rỗng tủy sống), Bại liệt hai chi dưới (Paraplégie), Liệt 4 chi (Tétraplégie), Myélome multiple, Bệnh Kahler-Bozzolo, Hội chứng Bence Jones, HAP (Hydrocarbures aromatiques polycycliques), Són tiểu (Incontinence urinaire), Tách rời xã hội (Désocialisation), Són tiểu gắng sức (Incontinence d’effort), Phục hồi chức năng (Séances de rééducation), Toxine botulique,Nguyen Van Thinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More