Thời Sự Y Học số 212

Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Chuyên Khoa Nội Thương và Cấp Cứu
preview

1/ NHỮNG TIÊU CHUẨN NGÀY CÀNG RÕ RÀNG ĐỂ CHẤN ĐOÁN FIBROMYALGIE
NHỮNG ĐIỂM MỐC
Cơ. Trong một thời gian lâu, từ chữ latin fibra (fibre: sợi) và từ chữ Hy lạp myos (muscle: cơ) và algos (douleur : đau), đã được xem như là một bệnh tâm lý (pathologie psychologique), được xếp loại vào trong số các bệnh hystérie phụ nữ, bởi vì fibromyalgie gây bệnh cho đại đa số các phụ nữ. Mặc dầu không thể chối cãi là bệnh lý này có một yếu tố tâm lý, thường như là yếu tố khởi động, nhưng fibromyalgie từ nay được xem như là một bệnh mãn tính sinh lý gây phế tật (une maladie chronique physilogique invalidante) từ khi, năm 1992, OMS đã công nhận fibromyalgie như là bệnh thấp khớp (maladie rhumatismale) (đôi khi ta nói “thấp khớp cơ” rhumatisme musculaire) và không còn như là một bệnh tâm thần (maladie psychiatrique) nữa. Nhưng người ta vẫn chưa biết được nguồn gốc của căn bệnh này.
CÁC TRIỆU CHỨNG. Triệu chứng đầu tiên là đau. Đau có thể tại chỗ hay tỏa lan, có cường độ quan trọng ít hay nhiều. Những vùng nhạy cảm hơn với sờ mó và đè ép chủ yếu nằm dọc theo cột sống. Ngoài đau đớn còn có một cảm giác mệt mỏi quá mức và thường trực, đôi khi kèm theo những cảm giác kiến bò. Những rối loạn nhận thức (troubles cognitifs) (trí nhớ) cũng có thể hiện diện cũng như một hội chứng trầm cảm (syndrome dépressif), dường như gây nên bởi căn bệnh. Những biến đổi của vài bộ phận của hệ thần kinh cũng đã được phát hiện.
ĐIỀU TRỊ. Mặc dầu không có điều trị chữa lành, nhưng thuốc cho phép làm giảm đau và một số những triệu chứng khác. Đó chủ yếu là những thuốc chống đau, những thuốc làm hết co cơ (décontracturant musculaire), các thuốc kháng viêm và các thuốc chống trầm cảm. Nhưng những điều trị khác không dùng thuốc, những kỹ thuật, từ làm hết co cơ (décontraction musculaire) đến thư giãn hay mésothérapie, trong vài trường hợp, cũng tỏ ra có hiệu quả. Ngày nay dường như một điều trị tâm lý là quan trọng và có lợi. Bệnh lý gây đau đớn này, ảnh hưởng lên 1 đến 3% dân chúng, từ nay được công nhận bởi các thầy thuốc.
DOULEURS. “Syndrome fibromyalgique” hay fibromyalgie được đặc trưng bởi những đau đớn tỏa lan dai dẳng, có một tác dụng lên các năng lực cơ năng (capacité fonctionnelle), bằng cách làm giảm chúng một cách thay đổi tùy theo cá thể và thời gian. Vào tháng 10/ 2010, Haute Autorité de Santé công bố một bản báo cáo công nhận sự hiện hữu của bệnh lý này, bằng cách đặc biệt dựa vào một báo cáo của Viện Hàn lâm y học năm 2007, được thực hiện bởi Charles Joel Menkès, và mở ra một lãnh vực mới đề điều trị, trong một thế giới y khoa và khoa học đôi khi còn hoài nghi.
Được chấp nhận rộng rãi bởi các nước anglo-saxon và được công nhận như là một căn bệnh bởi OMS ngay năm 1992, fibromyalgie từ lâu, ở Pháp, đã được xem như chỉ là biểu hiện của những rối loạn tâm lý (troubles psychologiques), chỉ cần điều trị tâm thần mà thôi. Một loạt các công trình nghiên cứu mới đây từ nay đã chứng minh sự hiện hữu của những rối loạn thực thể (troubles organiques) liên kết với những triệu chứng của fibromyalgie, đặc biệt do những bất thường khác nhau của sự đáp ứng đau đớn trong não bộ.
Fibromyalgie gây bệnh từ 1% đến 3% dân chúng và xuất hiện giữa 30 và 60 tuổi nơi các phụ nữ (chiếm hơn 80% những người bị bệnh fibromyalgie). “Những con số này tương tự trong tất cả các nước phương Tây. Chúng gia tăng đều đặn bởi vì fibromyalgie là một trong những biểu hiện bệnh lý của stress của thời đại hiện nay nhưng cũng bởi vì các thầy thuốc càng ngày càng chẩn đoán tốt hơn”, GS Patrick Chérin, trưởng khoa nội bệnh viện Pitié-Salpêtrière (Paris) đã xác nhận như vậy.
Fibromyalgie được định nghĩa bởi sự hiện diện của các đau đớn tỏa lan, từ hơn 3 tháng, ở hai phía của thân thể, trên và dưới vùng thắt lưng, đặc biệt là noi cột sống. Ngoài ra, năm 1990, American College of Rheumatology đã xác lập rằng fibromyalgie được xác nhận khi người thầy thuốc nhận diện 11 điểm nhạy cảm trên 18 vùng đặc biệt. “Từ mùa hè năm 2010, những tiêu chuẩn này đã đuợc xét lại bởi vì chúng quá phụ thuộc vào mức độ kinh nghiệm của người thầy thuốc. Chẩn đoán không còn căn cứ trên thăm khám lâm sàng nữa, nhưng vào sự hiện diện của một số vùng đau đớn nào đó đuợc tuyên bố bởi bệnh nhân, liên kết với một điểm số về mức độ nghiêm trọng của những triệu chứng khác”, BS Philippe Roussel, Trưởng Centre de douleur chronique của bệnh viện Timone (Marseille) đã giải thích như vậy.
Các triệu chứng đau khớp và cơ thường được kèm theo bởi những rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi mãn tính, trầm cảm, đau đầu, các rối loạn về sự chú ý và trí nhớ. Bằng những thăm khám khác nhau, thầy thuốc kiểm tra sự vắng mặt của các bệnh tự miễn dịch, nội tiết hay cơ trước khi xác nhận chẩn đoán fibromyalgie. “Chẩn đoán không khó nhưng cần một cuộc mạn đàm khá lâu, khoảng 45 phút, khó mà thích hợp với thực hành y khoa cổ điển, BS Roussel đã nhấn mạnh như vậy. Các trung tâm chống đau (centre anti douleur), có khả năng điều trị những hội chứng đau mãn tính, là thích ứng nhất nhưng những trung tâm này không có khá nhiều ở Pháp”. Nguồn gốc của căn bệnh chưa được biết, mặc dầu một số các yếu tố nguy cơ đã được nhận diện. Sự hiện hữu của một chấn thương vật lý hay tâm lý, ngay cả đã lâu lắm rồi, dường như thường được liên kết với bệnh fibromyalgie nhưng nhiều công trình nghiên cứu mới đây đã mở ra hướng của một tố bẩm di truyền (prédisposition génétique) hay ngay cả của một nguồn gốc nhiễm trùng.
KÊ ĐƠN CÁC THUỐC CHỐNG TRẦM CẢM
Do không có một nguyên nhân đặc hiệu, nên không có điều trị chữa lành và fibromyalgie được xem như là một bệnh mãn tính, mà bệnh nhân không lành bệnh được nhưng có thể thích ứng để tìm lại một chất lượng sống có thể chấp nhận được. Vậy việc điều trị nhằm làm nhẹ bớt các triệu chứng để cho phép bệnh nhân tìm lại một cuộc sống bình thường và cần một xử trí toàn bộ và nhiều chuyên khoa (une approche globale et pluridisciplinaire).
Ở Pháp, điều trị chủ yếu dựa trên sự kê toa các thuốc giảm đau hay các thuốc chống trầm cảm (antidépresseur) được biết có tác dụng chống đau nhưng không có một chỉ định đặc hiệu nào đối với fibromyalgie bởi vì căn bệnh này còn được xem như là một hội chứng chứ không phải như là một bệnh lý duy nhất. Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu vừa từ chối cho phép 3 loại thuốc để chỉ định điều trị fibromyalgie, trong khi FDA, cơ quan tương đương ở Hoa Kỳ, lại đã cho phép mới đây. Một thái độ chắc chắn làm chậm lại những cố gắng nghiên cứu của công nghiệp dược phẩm trong lãnh vực này (LE FIGARO 31/1/2011) Đọc thêm:
2/ FIBROMYALGIE : ĐIỀU XẢY RA TRONG NÃO BỘ
“Chụp hình ảnh thần kinh chức năng (neuro-imagerie fonctionnelle) đã cho phép, trong 10 năm qua, thực hiện những tiến bộ thật sự để hiểu các cơ chế của bệnh fibromyalgie”, GS Eric Guedj, thuộc khoa y khoa nguyên tử (médecine nucléaire) của bệnh viện Timone (Marseille) đã nhấn mạnh như vậy. Các công trình nghiên cứu của Hoa Kỳ trước hết đã cho thấy rằng khi kích thích đau đớn, những người bị bệnh fibromyalgie làm hoạt hóa một cách mạnh mẽ hơn và tỏa lan hơn vài vùng của não bộ của họ, phát hiện một sự rối loạn của các vòng trung ương phụ trách về đau đớn (circuit central de la douleur). “Sau đó nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh rằng, mặc dầu không hề có một kích thích đau đớn nào cả, khi những người bị fibromyalgie nói rằng họ đau, ta có thể thấy một sự tăng hoạt của vài vùng não bộ và một sự loạn năng trong những mạng có liên hệ trong sự quản lý xúc cảm của sự đau đớn.” Những quan sát này có thể cho phép xác lập những nhóm các bệnh nhân được xác định rõ hơn mà các điều trị có thể được nhắm đích tốt hơn. Như thế, nhóm nghiên cứu của GS Guedj nghiên cứu tác dụng của những điều trị khác nhau lên những vùng hoạt động của não để đánh giá hiệu quả của chúng.
Những công trình này cũng có thể cho phép xác nhận những thái độ điều trị như là sự kích thích điện từ xuyên sọ (stimulation magnétique trascranienne). “Thật vậy một công trình nghiên cứu tiền phong đầu tiên, được công bố năm 2007, đã cho thấy một tác dụng giảm đau của kỹ thuật này trên những bệnh nhân bị fibromyalgie”, BS Didier Bouhassira, thầy thuốc chuyên khoa thần kinh thuộc bệnh viện Ambroise-Parré đã chỉ rõ như vậy. Tuy nhiên điều trị chỉ có một tác dụng tạm thời và những công trình khác đang đươc tiến hành nhằm xác lập xem, sau một loạt kích thích tích cực ban đầu, có thể kéo dài hiệu quả này của điều trị bằng những kích thích mỗi tháng hay không. “Những kết quả dường như dương tính, nhưng công trình nghiên cứu chỉ được thực hiện trên một số nhỏ các bệnh nhân, trong đó vài người không đáp ứng với điều trị”. Trước khi đi xa hơn, các nhà nghiên cứu muốn phát động một công trình nghiên cứu nhiều trung tâm (étude multicentrique) (được diễn ra đồng thời trong nhiều nơi khác nhau) để xác nhận những kết quả này và hy vọng rằng các cấp bệnh viện sẽ ủng hộ trong chiều hướng này.
Sự rối loạn của các vòng thần kinh phụ trách đau đớn (circuit de la douleur) như vậy đã có thể quan sát, một cách khách quan, trong chính não bộ của những người bị fibromyalgie, nhưng những thăm khám như thế quả thật nặng nề. Do đó những nhà nghiên cứu khác quan tâm đến những chỉ dấu sinh học (indice biologique) của bệnh fibromyalgie, dễ dàng được phát hiện hơn bằng một mẫu nghiệm máu. “Còn quá ít hướng sinh học để thăm dò và vài hướng nghiên cứu đã bị bỏ không theo đuổi nữa, như chất P hay các opioide nội tại”, GS Régis Guieu, trưởng khoa sinh hóa học và sinh học phân tử thuộc bệnh viện Timone (Marseille) đã nhấn mạnh như vậy. Những đường hướng nghiên cứu đang còn được khảo sát, như những thụ thể của glutamate, những đường vòng của sérotonine hay hệ thống adénosinergique. Nhiều kíp nghiên cứu cũng thiên về một nguồn gốc virus của căn bệnh này, bởi vì hệ thống miễn dịch dường như có quan hệ trong các cơ chế sinh học của fibromyalgie.(LE FIGARO 31/1/2011)
3/ CÁC NEURONE NGƯỜI ĐƯỢC CẤY NƠI ĐỘNG VẬT !
Recherche. Một nhóm nghiên cứu ở đại học Florida Hoa Kỳ vừa thực hiện thành công nơi động vật một loạt công trình. Mục đích của nhóm nghiên cứu này : thu được những lượng lớn các tế bào gốc (cellules souches) não bộ. Những tế bào này, một khi được tiêm trở lại vào trong não người, có thể thay thế các neurone tồi hay bị lấy đi bằng phẫu thuật. Sau khi đã lấy đi nơi một thiếu nữ một vùng vỏ não là nguyên nhân của các cơn động kinh, và sau khi đã trích những tế bào gốc não bộ, BS Roper, thầy thuốc chuyên khoa ngoại thần kinh, đã giao chúng cho BS Steindler. Chuyên gia về neurosciences này đã cho những tế bào gốc gốc não bộ tăng trưởng trong phòng thí nghiệm sau khi đã biến đổi chúng về mặt di truyền và sau đó đã ghép chúng lên các con chuột sơ sinh (những tế bào được ghép nhuộm màu lục dưới ánh sáng tử ngoại). 3 tuần sau, những con chuột này đã bị giết chết để xem xét. Khi đó, các tế bào được ghép nhuộm màu lục này đã được tìm thấy trong toàn bộ não của những con chuột nhỏ, chứng tỏ một sự di chuyển tích cực của những tế bào gốc người và những tế bào gốc này được biệt hóa thành đủ loại neurone trong tân vỏ não (néocortex) (vận động, thị giác, nhận cảm..) cho đến tận thùy hải mã (hippocampe) (trí nhớ và học tập). (PARIS MATCH 27/1-2/2/2011) Đọc thêm :
4/ MỘT ĐỨA BÉ SINH RA TỪ GHÉP BUỒNG TRỨNG
Một phẫu thuật ghép giữa hai chị em không phải sinh đôi : kỳ công đầu tiên trên thế giới ở UCL (Université Catholique de Louvain, Bỉ). Điều chủ yếu :
- Một em bé sinh ra do chuyển vật chất buồng trứng (matériel ovarien) giữa hai chị em không phải sinh đôi.
- Phản ứng thải bỏ mẫu ghép (rejet du greffon), chướng ngại thông thường, đã tránh được bởi vì người hiến (donneuse) đã cho người em tủy xương của mình 18 năm trước đó !
Hôm nay, một em bé sinh ra đời ở Cliniques Saint-Luc. Mẹ tròn con vuông. Nhưng em bé Y, một bé gái cân nặng 3,15 kg, đã được thụ thai một cách rất đặc biệt, vì lẽ chưa bao giờ trong lịch sử của thế giới một em bé chào đời đã theo cùng con đường thụ thai. Thật vậy, em bé Y là em bé đầu tiên được sinh ra từ một ghép mô buồng trứng còn “tươi” giữa hai chị em không phải sinh đôi.
Kỳ công y khoa đầu tiên trên thế giới này là kết quả của hai chiến thắng đối với sự sống. Chiến thắng đầu tiên, chống lại bệnh tật. Vào năm 1992, Julia (tên mượn), được 15 tuổi, bị bệnh drépanocytose, một bệnh thiếu máu hình lưỡi liềm (anémie à cellules falciformes), căn bệnh di truyền phổ biến nhất. Căn bệnh này gây nên một sự biến đổi của hémoglobine và, trong những thể cấp tính nhất, buộc phải ghép tủy xương. Nhưng để phẫu thuật ghép được thực hiện mà không gây thải bỏ, bệnh nhân cần phải được điều trị với hóa học liệu pháp và bức xạ trị liệu, để “ giết chết ” khả năng miễn dịch tự nhiên của mình. Vào năm 1992, người chị của Julia hiến cho em mình tủy xương và như thế cho phép Julia từ nay sản xuất các hồng cầu bình thường. Nhưng hóa học liệu pháp và phóng xạ trị liệu đã gây nên, như hầu như trong tất cả các trường hợp, một sự mãn kinh sớm (ménaupose précoce) của cô em và do đó Julia không còn có kinh kỳ nữa. Vào năm 2009, 17 năm sau, Julia đã tìm được chàng hoàng tử yêu kiều của tình yêu. Rồi cả hai đều mong muốn có con. Từ vài năm nay, y học đã hiệu chính một kỹ thuật bảo tồn bằng cách giữ đông lạnh những phần của buồng trứng, thậm chí các noãn bào (ovocyte), như thế cho phép dự kiến kế hoạch sinh đẻ sau khi căn bệnh được chữa lành. Bỉ là nước tiên phong trong lãnh vực này, đứa bé đầu tiên được thụ thai như thế đã được sinh ra đời ở Clinique Saint-Luc và trên 15 đứa trẻ sinh ra đời trên thế giới bằng kỹ thuật này thì hết 4 đã được sinh ra ở Bỉ. Nhưng vào năm 1992, kỹ thuật này đã chưa có và không có một “vật chất” buồng trứng (matériel ovarien) nào của Julia đã có thể được bảo tồn vào thời kỳ đó. Dĩ nhiên, việc hiến các noãn bào (don d’ovocytes) hiện hữu, nhưng đó là một kỹ thuật không thành công chắc chắn và những người hiến không phải là nhiều. Và đó là chiến thắng thứ hai đối với sự sống : trong đầu óc của GS Jacques Donnez, trưởng khoa phụ sản của Cliniques Universitaires Saint-Luc, ở UCL, khi đó nảy ra một ý nghĩ hơi điên rồ : thực hiện ghép mô “tươi” không được làm đông lạnh (non cryogénisé), giữa hai chị em. Trên lý thuyết một phẫu thuật ghép như thế đòi hỏi một điều trị làm suy giảm miễn dịch dài lâu và khó khăn nơi người nhận (receveuse), có thể làm rắc rối sự thai nghén và gây nguy hiểm cho sức khỏe của bà mẹ tương lai. Nhưng trong trường hợp của Julia và của người chị của cô, căn bệnh năm 1992 (drépanocytose) lại tỏ ra là một phương tiện để thành công. Bởi vì việc ghép tủy được thực hiện cách nay 18 năm đã tạo nên một chimérisme hoàn toàn. Vậy không còn cần phải chống lại phản ứng thải bỏ : cơ thể của người nhận (Julia) hẳn nhận biết mô của người cho (chị của Julia) như là mô giống hệt với chính mình, như trong trường hợp hiến (dons) (rất hiếm) giữa các chị em sinh đôi đồng hợp tử (jumelles homozygotes).
Và phép màu đã xảy ra. Hai kíp ngoại khoa hoàn chỉnh gồm các giáo sư Donnez, Quifflet, Dolmans và Jadoul đã làm việc một cách song hành : thời gian chưa được một phút giữa lúc trích lấy mô buồng trứng (2 cm trên 2) và lúc bắt đầu ghép nó vào trong bụng của người nhận. Thủ thuật trích (prélèvement) được thực hiện bằng nội soi ổ bụng, kỹ thuật cho phép hành động nhờ một caméra có kích thước vài millimètre, được đưa vào qua một đường xẻ ở rốn và, qua những đường xẻ khác, đưa vào những y cụ mảnh cho phép thực hiện động tác ngoại khoa. Tính chất nhanh chóng của can thiệp nhằm làm giảm càng nhiều càng tốt các nguy cơ do phải cấp oxy (oxygéner) hay tạo mạch (vasculariser) mô được chuyển (tissu transféré) để ghép. Phần còn lại của can thiệp chỉ thuộc về tài năng của các kíp phẫu thuật, vốn lành nghề trong ngoại khoa vi thể (microchirurgie). Mô hoàn toàn được may lại trong vòng nửa tiếng đồng hồ.
Và phép nhiệm màu đã tiếp tục. Chỉ ba tháng rưởi sau can thiệp này, không những không có một phản ứng thải bỏ (rejet) nào được chứng thực, chức năng buồng trứng đã trở lại hoàn toàn, sau một thời kỳ gián đoạn hơn 18 năm ! Một kỳ công đầu tiên trên thế giới. Vấn đề còn lại là phải thụ thai một em bé, theo cách mà hàng tỷ người đang thực hiện. Nhưng Julia đã phải đương đầu với một thử thách mới : “Ta đã không hiểu tại sao em bé không đến. Một hình chụp X quang các vòi trứng khi đó đã phát hiện rằng các vòi trứng đã bị teo, có lẽ trong lúc làm hóa học trị liệu và bức xạ liệu pháp. Do đó ta phải hướng về một thụ thai nhân tạo (fécondation in vitro)”, Jacques Donnez đã giải thích như vậy. Sự thực hiện điều trị bằng thụ thai nhân tạo đã được thực hiện phối hợp bởi các nhóm chuyên khoa của Saint-Luc (BS Pirard) và của Erasme (BS Delbaere), việc trích lấy buồng trứng phải được thực hiện trong một khoa được trang bị và chuyên môn trong loại phẫu thuật này nơi những bệnh nhân bị một bệnh virus. Thế mà, đó là trường hợp của Julia, xảy ra do phải truyền máu để điều trị bệnh thiếu máu. 3 phôi thai đã được thu nhận và một được chuyển để ghép 3 tuần sau đó, chính phôi này vừa mới được sinh ra. Thai nghén, dĩ nhiên rất được theo dõi bởi BS Cheron (UCL) đã không gây nên những biến chứng liên kết với việc sử dụng kỹ thuật rất đặc biệt này. Kỳ công đầu tiên trên thế giới này sẽ mở cửa cho một kỹ thuật bổ sung để chống lại bệnh vô sinh, một vấn đề càng ngày càng gia tăng trong thế giới văn minh của chúng ta. Mặc dầu kỹ thuật này chỉ được đề nghị cho một số rất hạn chế các bệnh nhân, nhưng nó làm khoa học tiến triển. (LE SOIR 26/1/2011) Đọc thêm :
5/ MỘT IMPLANT LÀM BIẾN MẤT VÀI TRIỆU CHỨNG CHÓNG MẶT
Première mondiale : một bệnh nhân của centre médical thuộc đại học Washington (Seatle), đã được đặt máy vào cuối năm 2010 với một implant có khả năng làm ngưng những cơn chóng mặt do bệnh Ménière. Có thể so sánh với implant cochléaire của những người điếc, những implant này có đặc điểm được nối, qua 3 điện cực, với những dây thần kinh tiền đình (nerf vestibulaire), cơ quan của tai trong (oreille interne) chịu trách nhiệm về sự cân bằng. Nơi những người bị bệnh Ménière, các tín hiệu mà những dây thần kinh tiền đình gởi về não bộ bị “rối” do sự tích tụ chất dịch trong tiền đình. Implant, được khởi động bằng tay, tác dụng bằng cách kích thích điện những dây thần kinh tiền đình để bù lại những tín hiệu bị “rối” này.
“Đánh giá một cách chính xác hiệu quả của nó có thể cần nhiều năm, bởi vì các cơn Ménière là không thể tiên đoán được”, Jay Rubinstein, một trong những nhà nghiên cứu đã xác nhận như vậy. (SCIENCE ET VIE 2/2011)
6/ TẠI SAO NGÀY NAY CÓ NHIỀU NGƯỜI BỊ DỊ ỨNG ĐẾN THẾ ?
Professeur François-Bernard Michel. Pneumologue (Montpellier), Membre de l’Académie nationale de médecine
Dị ứng là một phản ứng phòng vệ miễn dịch bình thường của cơ thể. Bị “dị ứng”, thật ra đó là phản ứng lại một cách quá mức đối với những yếu tố thường là vô hại, trái với các vi khuẩn, virus và các ký sinh trùng. Trên thế giới, 400 triệu người bị viêm mũi dị ứng, trong đó một nửa với hen phế quản, điều này khiến OMS xếp loại những dị ứng này vào hàng thứ tư của những bệnh mãn tính. Phải chăng đó là bệnh của thế kỷ? Cứ ba người Pháp thì có một bị dị ứng và cứ hai trường hợp thì một đó là dị ứng hô hấp. Ở Languedoc, từ năm 1976 chúng tôi đã báo cáo những quan sát đầu tiên của Pháp về những dị ứng đối với cây bách (cyprès) và họ bách (cupressacées), chúng tôi chứng thực rằng các trường hợp viêm mũi-kết mạc đã được nhân lên 50 lần ! Về các dị ứng thức ăn, chúng dường như gia tăng, chủ yếu là do những dị ứng này được chẩn đoán thường xuyên hơn. Nhưng những dị ứng đối với cây lạc (arachides) đã được nhân lên 3,5 lần nơi trẻ em, từ năm 1997 đến 2008, với một sự gia tăng đáng lo ngại những phản ứng nghiêm trọng. Các bệnh dị ứng phát xuất từ những yếu tố di truyền và những yếu tố thụ đắc (các dị ứng nguyên và môi trường). Vai trò của thể địa được chứng minh một cách rộng rãi. Các trẻ em có bố mẹ bị dị ứng hầu như có nguy cơ hai lần nhiều hơn cũng bị dị ứng, thường là với cùng loại dị ứng.
NHỮNG TIẾP XÚC SỚM VÀ NHIỀU LẦN
Tất cả bắt đầu trong tử cung với sự dị ứng của người mẹ trong thời kỳ thai nghén đối với những thức ăn và những acarien. Tuy nhiên một sự cảm ứng sớm (sensibilisation précoce) có thể đồng thời làm dễ cũng như bảo vệ chống lại những dị ứng khác. Còn về tần số và mức độ của những tiếp xúc, chúng gia tăng đối với tất cả những dị ứng nguyên. Ở Ý, từ 25 năm nay, lượng phấn hoa (pollen) của các cây ô liu (olivier) và cây bách (cyprès), vào các mùa phấn hoa (saison pollinique) càng ngày càng kéo dài, đã không ngừng gia tăng, song song với số những người bị cảm ứng (sensibilisé). Các viêm mũi họng trong thời kỳ thơ ấu, làm biến đổi những tế bào của các niêm mạc, cũng làm dễ sự đi qua của các dị ứng nguyên và những quá trình gây cảm ứng (sensibilisation).
Việc đa dạng hóa ăn uống (diversification alimentaire) sớm có một ảnh hưởng nào đó. Nơi người trưởng thành, ta có thể quy trách nhiệm cho các chất phụ gia (additifs) các loại (không phải luôn luôn có thể phát hiện được trên các nhãn hiệu), sự công nghiệp hóa, tác động của các sản phẩm ngoại lai, sự tiêu thụ không đủ các chất chống oxy hóa và, ở thượng nguồn, nông nghiệp hóa học và những kỹ thuật chăn nuôi mới. Chẩn đoán lại càng phức tạp khi những dị ứng này chéo với những dị ứng nguyên được nuốt hay hít vào, với những triệu chứng tiêu hóa, da (mày đay), thậm chí tổng quát (choáng phản vệ vô cùng nặng). Chúng ta dựa vào sinh học hiện đại để hiểu rõ hơn những cơ chế này và mở ra những hướng điều trị.
THUỐC LÁ VÀ LỐI SỐNG
Những phần tử diesel là nguy hiểm bởi vì vài hợp chất hóa học và các phấn hoa gây dị ứng bám vào chúng, điều này làm gia tăng nguy cơ dị ứng. Ở Nhật Bản, các cây bách lâu đời vốn không gây dị ứng, giờ đây đã trở nên gây dị ứng sau khi các đường lộ được mở ra gần đó. Sự ô nhiễm bởi ozone làm dễ các dị ứng bởi vì niêm mạc mũi hấp thụ 40% ozone được hít vào, nhưng các viêm mũi cũng có thể có tính chất viêm. Ngược lại sự ô nhiễm công nghiệp thoái lui mặc dầu, bằng cách đối chiếu các dị ứng giữa hai nước Đông và Tây Đức trước đây, ta đã ghi nhận một cách nghịch lý tỷ lệ bị dị ứng ở Đông Đức bị ô nhiễm lại ít hơn so với Tây Đức. Nhưng những yếu tố môi trường nổi bật không nhất thiết là những yếu tố mà ta tưởng. Phải trở lại thuốc lá và các lối sống của chúng ta. Trước hết sự ô nhiễm bên trong nhà ở của chúng ta, quá ít thoáng khí và quá được sưởi ấm, làm dễ sự phát triển của các acarien và nấm mốc, và nhất là tiếp xúc ngày càng nhiều với những sản phẩm được sử dụng trong gia đình, có lẽ có tính chất gây dị ứng.
Trong máu, vài kháng thể chứng tỏ một một tính nhận cảm dị ứng (sensibilité allergique). Lúc đo lường chúng, ta chứng thực đúng là có một sự gia tăng đều đặn của thể địa dị ứng (terrain allergique) trong những năm qua. Những dị ứng là một bệnh như những bệnh khác, mà các thầy thuốc càng ngày càng biết chẩn đoán tốt hơn. Không nên do dự khi đi khám bệnh nữa và nên phát hiện dị ứng ngay ở lứa tuổi nhỏ nhất. (LE FIGARO 12/4/2010)
7/ KENNEDY, BỊ GIẾT CHẾT VÌ CÁI LƯNG CỦA MÌNH
Suốt cả cuộc đời, tổng thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy đã mang nhiều mối ưu tư về sức khoẻ. Trong số các chứng bệnh mà ông đã chịu đựng, bệnh Addison và nhiều tác dụng phụ của nó, trong đó có chứng loãng xương (ostéoporose). JFK đã được mổ ở lưng nhiều lần. Các thầy thuốc ngoại khoa đã đặt cho ông các plaque và vis để giữ vững cột sống. Nhưng thời gian làm tổng thống đã làm ông bị hao mòn cơ thể. Khi đó Kennedy đã ngốn nhiều thuốc chống trầm cảm (antidépresseur), các thuốc giảm đau, amphétamine, thuốc phiện, các hormone... Gương mặt của ông từng thời kỳ bị phì ra, thể hiện sự tiêu thụ cortisone. Các vấn đề về lưng của ông có lẽ đúng là nguyên nhân, một cách gián tiếp, về cái chết của ông vào lúc mưu sát ở Dallas năm 1963. Dẫu sao, những hình ảnh được quay vào cái ngày đó khiến ta nghĩ rằng JFK mang một áo nịt (corset), đã ngăn cản ông nghiêng mình sau khi đã nhận một viên đạn đầu tiên vào ngực. Chính viên đạn thứ hai, được bắn vào ngay đầu, khiến ông thiệt mạng. Tuy nhiên, giả sử rằng ông đã có thể thoát khỏi cuộc ám sát này, chính bệnh Addison rồi sẽ mang ông ra khỏi cõi đời. Ngày nay, căn bệnh hiếm hoi này vẫn không thể chữa lành được, BS Cymes đã giải thích như vậy, nhưng nghiên cứu đang hướng về sự phát triển các dược phẩm hoạt tính hơn và các thuốc ít gây gò bó hơn cho người bệnh so với các thuốc được kê đơn hiện nay. (LE GENERALISTE 3/2/2011) Đọc thêm :
8/ HỆ MIỄN DỊCH CỦA NHỮNG NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH TRẺ TUỔI MẮC BỆNH CÚM ĐÃ BỊ LỒNG LÊN
GRIPPE A (H1N1). Một công trình nghiên cứu mới cho phép hiểu tại sao những người trưởng thành trẻ tuổi đã bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch cúm A (H1N1) của năm 2009. Cứ mỗi năm, cúm mùa (grippe saisonnière) chủ yếu ảnh hưởng lên những người mà các khả năng phòng ngự miễn dịch yếu kém hơn : các trẻ em nhỏ tuổi và những người già. Thế mà, trận đại dịch cúm A (H1N1) năm 2009 lại chủ yếu giáng vào những người trưởng thành trẻ tuổi. Thí dụ ở Pháp, ¾ trong số 1.334 các trường hợp nặng phải nhập viện lại là những người ở lứa tuổi từ 15 đến 64 tuổi. Làm sao giải thích nghịch lý này ? Fernando Polack, thuộc đại học Nashville (Hoa Kỳ) và các đồng nghiệp Hoa Kỳ và Á căn Đình hôm nay mang lại một lời giải thích : hệ miễn dịch của những bệnh nhân này đã phản ứng lại một cách không thích ứng để phòng vệ chống lại nhiễm trùng, rồi đã lồng lên, như thế làm căn bệnh trở nặng thêm.
Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu nghiệm lấy từ phổi và máu nơi 75 bệnh nhân, tuổi từ 17 đến 57 tuổi, bị mắc bệnh nặng do trận đại dịch này. Trước hết họ đã phát hiện sự hiện diện của các kháng thể chống lại virus A (H1N1). Tuy nhiên, những kháng thể này đã không khá đặc hiệu để có thể gắn chặt vào virus và làm nó vô hiệu lực. Thật vậy virus của đại dịch cúm A (H1N1) khác nhiều với những virus được gặp bởi những bệnh nhân này cho đến vào lúc đó. Ngược lại, những người trưởng thành lớn tuổi hơn lại được chuẩn bị tốt hơn để sản xuất những kháng thể có hiệu quả, bởi vì họ vốn đã từng tiếp xúc với một virus gần giống hơn, lưu hành cho mãi đến năm 1957. Còn những trẻ em nhỏ tuổi, chúng đã không sản sinh ra các kháng thể vì lẽ chúng chưa từng được tiếp xúc với các virus cúm.
Sau đó, vì không chận đứng được sự nhiễm trùng, nên hệ miễn dịch của những người trưởng thành trẻ tuổi đã sản xuất ra ngày càng nhiều các kháng thể. Các phức hợp kháng thể-virus đã tích tụ trong phổi, ở đây cuối cùng chúng trở ngược lại chống lại chính các mô của các bệnh nhân và gây nên những thương tổn nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu đã khám phá sự tích tụ những phức hợp này nhờ phát hiện một chỉ dấu, được mệnh danh là C4d. “Người ta đã tin rằng tỷ lệ tử vong gia tăng nơi những người thuộc lứa tuổi này là do một hiện tượng như thế, Sylvie van der Werf, thuộc Centre national de référence des virus influenza, ở viện Pasteur Paris đã ghi nhận như vậy. Phải kiểm tra những kết quả này trên một số lượng lớn hơn các bệnh nhân, nhung đó là một giả thuyết rất đáng lưu ý.”
Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện một nồng độ tăng cao của chất chỉ dấu C4d trong các mẫu nghiệm trích từ phổi của các bệnh nhân chết vì bệnh cúm H2N2 của năm 1957: vậy cùng hiện tượng giải thích tỷ lệ tử vong gia tăng nơi những người trưởng thành trẻ tuổi vào lúc xảy ra trận toàn dịch này. “Công trình nghiên cứu này xác nhận rằng trong trường hợp toàn dịch cúm điều quan trọng là điều trị càng sớm càng tốt các người trưởng thành trẻ tuổi bị nhiễm trùng bằng các thuốc chống virus (antiviraux) ”, Catherine Leport, thuộc phòng thí nghiệm nghiên cứu về bệnh lý truyền nhiễm, thuộc đại học Paris-VII đã nhấn mạnh như vậy. “Công trình nghiên cứu này cũng làm tăng mối quan tâm về một vaccin đặc hiệu đối với virus, bởi vì nó cho phép có thể sản xuất các kháng thể đặc hiệu hơn, do đó hiệu quả hơn”, Sylvie van der Werf nói thêm như vậy. (LA RECHERCHE 2/2011)
9/ TIẾNG ĐỘNG LÀM GIA TĂNG NGUY CƠ BỊ TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO
Điểm chính yếu :
- Ta đã biết rằng giao thông đường xá có một ảnh hưởng lên huyết áp và sự xuất hiện của cơn đau tim.
- Một công trình nghiên cứu cho thấy rằng thêm 10 décibel làm gia tăng ¼ nguy cơ nơi những người lớn tuổi hơn.
- Đối với các nhà nghiên cứu, phải tìm cách làm giảm nguy cơ.
Lần đầu tiên một công trình nghiên cứu, được thực hiện trên một số lượng lớn các bệnh nhân, xác lập một mối liên hệ khả dĩ giữa sự gia tăng của cường độ âm thanh (volume sonore) do giao thông đường xá và sự xuất hiện của tai biến mạch máu não, ít nhất nơi những người già cả nhất. Công trình nghiên cứu này, được thực hiện trên 51.485 người, tuổi từ 50 đến 64 vào lúc bắt đầu công trình nghiên cứu, đã được tiến hành giữa 1993 và 1997 bởi Viện dịch tễ về ung thư của hiệp hội ung thư Đan mạch trong những vùng mật độ lưu thông xe cộ cao, ở Copenhague và ở Aarhus, thành phố lớn thứ hai của Đan mạch. Các nhà nghiên cứu đã đo mức độ âm thanh của mỗi nhà ở và đã sử dụng những dữ kiện của hồ sơ bệnh lý của mỗi bệnh nhân. Như thế họ đã xác nhận là đã loại bỏ những “tác dụng bên” (effets collatéraux) của sự ô nhiễm không khí và cũng của những nguồn tiếng động khác, như tàu hỏa và máy bay. Họ cũng tính đến sự tiêu thụ caféine, chế độ ăn uống và sự tiêu thụ thuốc lá.
Vậy mặc dầu mọi sự đều ngang nhau, nhưng một người trên 65 tuổi, khi phải chịu 10 décibel nhiều hơn người láng giềng, sẽ chịu một nguy cơ bổ sung 27% bị một tai biến mạch máu não. Một tai biến mạch máu não là một đột qụy não trầm trọng và đột ngột, xảy ra do sự tắc hay vỡ của một huyết quản mang máu đến não bộ, điều này dẫn đến một sự thiếu oxy đôi khi gây chết người. Nơi phần lớn các bệnh nhân, không có dấu hiệu báo trước của cơn đột qụy. Ngược lại, sự gia tăng nguy cơ này đã không được quan sát nơi những người dưới 65 tuổi. “Công trình nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng tiếng ồn của lưu thông đường xá làm gia tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não”, Mette Sorensen, tác giả của công trình nghiên cứu, đã giải thích như vậy. “Những công trình nghiên cứu trước đây đã liên kết sự lưu thông đường xá với một sự gia tăng huyết áp và sự xuất hiện của cơn đau tim (crise cardiaque : nhồi máu cơ tim). Công trình nghiên cứu của chúng tôi bổ sung bức tranh này và tích lũy những bằng cớ cho thấy rằng tiếng ồn có thể gây nên những bệnh tim mạch khác nhau. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải có những hành động tích cực để làm giảm sự tiếp xúc với tiếng ồn, mặc dầu những công trình nghiên cứu khác cần thiết trước khi chứng tỏ một cách chắc chắn một mối liên hệ nhân quả”. Vào lúc bắt đầu công trình nghiên cứu, 1/3 những người tham gia đã sống trong những vùng bị tiếp xúc với cường độ âm thanh hơn 60 décibel. Những người ít bị tiếp xúc nhất chịu một cường độ 40 décibel, nhưng mức cao nhất được ấn định là 82 décibel. (LE SOIR 27/1/2011)
10/ BỆNH HƯNG-TRẦM CẢM : NHỮNG CHIẾN LƯỢC CHỐNG TÁI PHÁT MỚI
GS Marion Leboyer, thầy thuốc chuyên khoa tâm thần, giám đốc FondaMental, giải thích chương trình chẩn đoán và điều trị cá thể, mới được thiết lập trong 8 trung tâm chuyên môn được thành lập bởi Fondation FondaMental.
Hỏi : Những khác nhau nào giữa bệnh hưng-trầm cảm (maladie maniaco-dépressive) và bệnh trầm cảm (dépression) ?
GS Marion Leboyer. Bệnh hưng-trầm cảm gây bệnh cho 1-5% dân số (600.000 người ở Pháp) và được thể hiện bởi sự luân phiên của các cơn trầm cảm và sự hứng khởi của khí chất (exaltation de l’humeur) (manie : hưng phấn). Một chứng trầm cảm cổ điển, bệnh lý thông thường, không bao gồm những cơn hưng phấn này. Chẩn đoán bệnh lý này thay vì bệnh lý kia thường tế nhị, do đó 30 đến 60% là sai lầm.
Hỏi : Không điều trị, những nguy cơ của những bệnh hưng-trầm cảm này là gì ?
GS Marion Leboyer. Nghiêm trọng nhất, và đáng sợ nhất đối với những người chung quanh là toan tính tự tử (tentative de suicide), cứ hai bệnh nhân thì có một bị liên hệ bởi vấn đề này. Những rối loạn khác cũng có thể xuất hiện, trong đó có nghiện rượu và các nghiện ngập, các rối loạn lo âu và sự xuất hiện những bệnh lý khác, như bệnh đái đường, bởi vì hiếm khi bệnh nhân được theo dõi đúng đắn về mặt y tế. Không điều trị, những người bị bệnh hưng-trầm cảm, vốn rất để bị thương tổn (vulnérable), sẽ chịu một chất lượng đời sống rất kém (những vấn đề trong quan hệ xã hội, ly dị thường xuyên, thất nghiệp...).
Hỏi : Thông thường, những bệnh nhân này được điều trị như thế nào ?
GS Marion Leboyer. Cho mãi đến ngày nay, các thầy thuốc đã chủ yếu quan tâm đến điều trị các cơn cấp tính trầm cảm hay hưng phấn với các thuốc chống trầm cảm (antidépresseurs), các thuốc chống loạn tâm thần (antipsychotiques) và các thuốc điều hòa khí chất (thymorégulateurs). Giữa các cơn, ta hằng tin tưởng rằng các bệnh nhân tìm lại một cuộc sống bình thường.
Hỏi : Ta thu được những kết quả nào với điều trị cổ điển này ?
GS Marion Leboyer. Phải thú nhận rằng những kết quả này không được thỏa mãn lắm. Ta chỉ ổn định một cách không hoàn hảo các bệnh nhân.
Hỏi : Thế thì chiến lược mới được thiết đặt trong các centre expert bipolaire của cơ quan của bà là gì ?
GS Marion Leboyer : Từ ít lâu nay, người ta đã nhận thấy rằng, giữa các cơn trầm cảm và hưng phấn, vẫn tồn tại những biểu hiện rất đặc trưng. 1. Những triệu chứng còn lại về khí chất. 2. Một sự tăng phản ứng (hyperréactivité) đối với các cảm xúc. 3. Những rối loạn về giấc ngủ. 4. Những rối loạn nhận thức (troubles cognitifs) (trí nhớ, sự chú ý..). 5. Sự phát sinh của vài bệnh liên kết (tim mạch, chuyển hóa, đái đường...). Sự tồn tại của những triệu chứng này làm dễ những tái phát và đã làm chúng ta nhận thức sự cần thiết đề nghị với mỗi bệnh nhân một bilan hoàn chỉnh và cá thể hóa giữa các cơn. Điều đó để thực hiện những điều trị thích ứng theo từng cá thể nhằm ngăn ngừa những tái phát và cải thiện tiên lượng.
Hỏi : Những chiến lược mới nhằm điều trị các rối loạn xảy ra giữa các cơn này là gì ?
GS Marion Leboyer : Sau một bilan sức khỏe rất hoàn chỉnh (với các trắc nghiệm về trí nhớ, khả năng chú ý...), được thực hiện trong một trong những trung tâm chuyên môn về rối loạn lưỡng cực (centre expert bipolaire) bởi một kíp đa khoa (tâm lý trị liệu, chuyên khoa tâm lý, các y tá...), ta có được một “bức ảnh” (photographie) thật sự của bệnh nhân. Tùy theo các kết quả, ta đề nghị một chiến lược điều trị đặc hiệu rồi ta gởi cho thấy thuốc gia đình. Mỗi triệu chứng của bệnh nhân, mỗi căn bệnh liên kết sẽ là đối tượng của một điều trị thích ứng theo từng cá thể. Thí dụ ta có thể đề nghị những chiến lược nhắm đích vào giấc ngủ hay những rối loạn nhận thức. Trong những trung tâm chuyên môn này, ta cũng dạy cho bệnh nhân quản lý căn bệnh của mình bằng cách tham gia các nhóm giáo dục tâm lý (groupe de psychéducation). Đối với các bệnh nhân, điều rất quan trọng là phải nhận thức rằng không phải chỉ họ mới bị loại bệnh này.
Hỏi : Sự điều trị các triệu chứng sẽ làm giảm sự xuất hiện của các cơn như thế nào ?
GS Marion Leboyer : Chính tính chất cá thế hóa, do tính đến tất cả các yêu tố được thu thập trong bilan đã thực hiện, cho phép thích ứng, một cách tinh tế nhất có thể được, toàn bộ các điều trị đối với một bệnh nhân xác định. (PARIS MATCH 27/1-2/2/2011) Đọc thêm :

BS NGUYỄN VĂN THỊNH, Chuyên Khoa Nội Thương và Cấp Cứu
(7/2/2011)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More