Thời Sự Y Học số 210

Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Chuyên Khoa Nội Thương và Cấp Cứu
1/ NHỒI MÁU CƠ TIM : TỶ LỆ TỬ VONG GIẢM RÕ RỆT
Tỷ lệ tử vong 30 ngày sau tai biến đã giảm từ 13,7% xuống còn 4% giữa năm 1995 và 2010, theo những dữ kiện mới nhất của registre Pháp.
CARDIOGIE. Đó là một tin tốt lành cho 100.000 người Pháp, nạn nhân mỗi năm của một nhồi máu cơ tim. Tiên lượng sinh tử (pronostic vital) của tai biến tim này ở giai đoạn cấp tính tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ ở Pháp, theo những dữ kiện mới nhất được trình bày hôm qua tại Journée Européenne de la Société française de cardiologie (Paris). Từ 13,7% năm 1995, tỷ lệ tử vong ở ngày thứ 30 sau nhồi máu đã sụt giảm xuống còn 8,7% trong năm 2000 và 7% vào năm 2005. Từ nay tỷ lệ này đạt được 4%.
“Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên một cách dễ chịu bởi con số này, nhưng đó là những dữ kiện còn tạm thời, được thực hiện trên 2700 hồ sơ đầu tiên được phân tích của năm 2010”, GS Nicolas Danchin, thầy thuốc chuyên khoa tim thuộc bệnh viện châu Âu Gorges Pompidou (Paris) đã xác nhận như vậy. Ông đã trình bày những kết quả của chương trình được gọi là Fast-MI này.
Từ năm 1995, ở Pháp, một système de registre cho phép thu thập nhiều dữ kiện về những trường hợp nhập viện vì nhồi máu cơ tim. Như thế profil của các bệnh nhân, các điều trị được thực hiện, các tham số sinh học (paramètres biologiques) đã được phân tích...Hiện nay, 60% các đơn vị điều trị tăng cường (ICU) và gần như tất cả các khoa lớn nhất đều tham gia vào sự theo dõi này, hoặc hơn 200 cơ sở điều trị. Các bệnh nhân sau đó, nếu có thể, được theo dõi trong 10 năm. “Một tỷ lệ tử vong 4% sau một tháng, điều đó rất là tốt, ta khó có thể hiểu được làm sao ta sẽ còn xuống thấp hơn”, GS Danchin nói tiếp như vậy, đồng thời xác nhận rằng sự tiến triển này được giải thích bởi việc xử trí sớm tốt hơn và những tiến bộ trong sự tổ chức điều trị. “ Ngược lại, sự việc số lượng các trường hợp nhồi máu đang giảm là không rõ ràng. Để đo lường điều này, phải cần những cơ sở dữ kiện khác, nhà chuyên gia đã ghi nhận như vậy.
Ở giai đoạn cấp tính của nhồi máu cơ tim, ngay khi chẩn đoán được xác định, mục tiêu chính của điều trị là khai thông càng nhanh càng tốt những động mạch vành bị tắc. Hai phương pháp được sử dụng. Liệu pháp tan huyết khối (thrombolyse), có thể được thực hiện bởi nhóm của Samu trước khi nhập viện, nhằm tiêm tĩnh mạch những thuốc phá hủy cục máu đông. Giải pháp thay thế là angioplastie, cho phép làm giãn động mạch nhờ một ballonnet, được đưa vào nhờ một sonde từ một động mạch của cánh tay hay bẹn. Động tác kỹ thuật này chỉ có thể được thực hiện trong những trung tâm chuyên môn. Angioplastie thường được liên kết với thủ thuật đặt một stent (một loại lò xo) nhằm giữ cho động mạch được mở. Các điều trị tái thông máu (traitement de reperfusion) càng ngày càng được thực hiện, theo công trình nghiên cứu Fast-MI : chúng liên quan đến 80% các bệnh nhân vào năm 2010. Tỷ lệ là 64% vào năm 2005, 53% vào năm 2000 và chỉ 49% vào năm 1995. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều phải làm để tối ưu hóa việc điều trị các bệnh nhân, ở những giai đoạn khác. Vào lúc nhồi máu, chỉ một bệnh nhân trên 4 là hưởng được đoạn đường tối ưu được khuyến nghị : điều trị bởi Samu với một thời hạn tái thông máu dưới 90 phút. Đó cũng là cải thiện tiên lượng lâu dài hơn. Với thời gian nhìn lại một năm, tỷ lệ tử vong là 15%. Mới đây, một công trình nghiên cứu khác đã cho thấy rằng 6 tháng sau khi bị nhồi máu cơ tim, một nửa các bệnh nhân đã bỏ ít nhất một trong 4 loại thuốc cơ bản. Một sự tuân thủ điều trị kém làm tăng 1,4 lần nguy cơ tử vong. Mặt khác, một bệnh nhân đã bị một lần nhồi máu nhưng vẫn luôn luôn nhàn rổi không hoạt động và tiếp tục hút thuốc và ăn uống một cách không thích hợp, có một nguy cơ tái phát trong 6 tháng được nhân lên 3,8 lần. (LE FIGARO 14/1/2011) Đọc thêm :
2/ METFORMINE CÓ TÁC DỤNG LÀM CHẬM LẠI SỰ TIẾN TRIỂN CỦA UNG THƯ PHỔI ?
Được sử dụng trong điều trị bệnh đái đường loại 2 (đái đường béo), metformine (Glucophage) đã tỏ ra có hiệu quả để làm chậm lại tiến triển của vài loại ung thư phổi. Trong một công trình nghiên cứu nơi 1547 người bị một bệnh đái đường liên kết với một ung thư phổi, sự tiến triển của ung thư phổi đã hai lần ít quan trọng hơn nơi những bệnh nhân đang được điều trị bởi metformine. Lý do của kết quả này, được thông báo trong hội nghị vừa qua của American College of Chest ở Vancouver vẫn không rõ ràng. (PARIS MATCH 13/1-19/1/2011)
3/ NGUY CƠ TIM MẠCH PHẢI CHĂNG NHẤT THIẾT GIA TĂNG SAU 65 TUỔI ?
Professeur André Vacheron, Cardiologue, Membre de l’Académie nationale de médecine
Chúng ta có tuổi của các động mạch của chúng ta. Tác động lên tim, não bộ và thận của chứng xơ cứng động mạch (artériosclérose), làm gia tăng sự cứng của các động mạch, chứng vữa xơ động mạch (athérosclérose), khiến nội mô động mạch bị biến đổi và đưa đến biến chứng hẹp động mạch, huyết khối tắc (thrombose oblitérante) và những nghẽn mạch (embolies), phần lớn ảnh hưởng lên tuổi thọ và chất lượng của sự lão hóa.
Các bệnh tim mạch và mạch máu não là nguyên nhân đầu tiên của bệnh tật và tử vong sau 65 tuổi, do tỷ lệ mắc bệnh trội hơn trong những lứa tuổi cao nhất và vì sự lão hóa của dân số : ngày nay hy vọng sống vào lúc sinh (espérance de vie à la naissance) vượt quá 80 tuổi. Trong nhiều tỉnh của nước Pháp, số những người trên 60 tuổi vượt quá số những người dưới 20. Vào năm 2020, số những người trên 60 tuổi này sẽ vượt quá số những người dưới 20 tuổi trên toàn nước Pháp. Thật an lòng khi chứng thực rằng hy vọng sống không mất năng lực (espérance de vie sans incapacité) gia tăng nhanh hơn hy vọng sống nói riêng. Giữa năm 1980 và 1990, chúng ta đã lợi thêm được 2 năm rưởi hy vọng sống, nhưng ba năm hy vọng sống không mất năng lực.
Tuổi già tự nó là yếu tố đầu tiên trong số những yếu tố nguy cơ tim mạch. Nó kéo dài tác dụng có hại của những yếu tố nguy cơ khác : thuốc lá, cao huyết áp, tăng cholestérol-huyết, tăng thể trọng. Tuổi già cũng bao gồm những yếu tố nguy cơ riêng cho nó : nhàn rổi không hoạt động, tình trạng sống cô lập, sự nghèo khổ khốn cùng, trạng thái suy dinh dưỡng. Những bệnh tật liên kết là quy tắc nơi các người già : các thương tổn về thị giác, thính giác, các bệnh tim mạch và cơ-xương lần lượt gây bệnh cho ¾ và hơn ½ những người già, bệnh đái đường, các ung thư, các bệnh Parkinson và Alzheimer.
Các bệnh tim mạch của người già nằm trong bối cảnh nhiều bệnh lý với thương tổn nhiều cơ quan cùng một lúc, trong đó có sự thoái hóa dần dần chức năng thận làm cho việc điều trị hỗ trợ thành khó khăn hơn. Tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp đạt 70% sau 70 tuổi và huyết áp thu tâm (cực đại) tăng lên đến 160 mmHg và hơn nữa, làm gia tăng nguy cơ tai biến động mạch vành và não và tỷ lệ tử vong tim mạch. Ngay cả nơi người già, điều trị chống cao áp làm giảm những nguy cơ tai biến tim mạch.
CẢI THIỆN CÔNG TÁC PHÁT HIỆN
Mức độ lưu hành và trầm trọng của bệnh động mạch vành gia tăng với tuổi tác và sự phụ thuộc theo tuổi này rõ rệt hơn nơi phụ nữ so với đàn ông. Tiên lượng của những hội chứng động mạch vành cấp tính và của nhồi máu cơ tim thường bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong chẩn đoán và việc điều trị trong đơn vị hồi sức tim tăng cường (unité de soins cardiologiques intensifs) của các người già, mà những triệu chứng có thể gây lầm lẩn và không điển hình. Tuy nhiên, khi sự điều trị được thực hiện trước 6 giờ trong những trung tâm chuyên môn và bởi những thầy thuốc chuyên khoa tim có kinh nghiệm, thủ thuật angioplastie (làm thông thương trở lại động mạch vành bị tắc) với một ballonnet gonflable, được bổ sung với sự thiết đặt một endoprothèse (stent), có thể cho những kết quả đặc sắc.
Suy tim nơi những người già là một trong những vấn đề y tế công cộng lớn vào đầu thế kỷ XXI này. Việc làm giảm tỷ lệ mắc phải nó là một trong những mục tiêu quan trọng. Sự giảm bớt này là kết quả của những tiến bộ được thực hiện trong điều trị những hội chứng động mạch vành cấp tính và cao huyết áp, điều này mặc dầu kéo dài tuổi thọ nhưng không xóa bỏ hoàn toàn những hậu quả có hại của thương tổn thiếu máu cục bộ của cơ tim và của sự phì đại cơ tim. Tỷ lệ suy tim hàng năm đạt 50 đối với 1000 người già sau 75 tuổi. Tiên lượng của nó là nghiêm trọng. Những rối loạn nhịp tim và của sự dẫn truyền trong tim là thường xảy ra nơi các người già.Tỷ lệ lưu hành của rung nhĩ, làm dễ những tai biến huyết khối nghẽn mạch (accidents thromboemboliques), đặc biệt là não bộ với nguy cơ phế tật nặng (di chứng bại liệt nửa người), vượt quá 10% sau 80 tuổi. Các pacemaker cho những kết quả đặc sắc trong những rối loạn gây ngất xỉu của sự dẫn truyền điện trong tim (bloc nhĩ thất).
Sự gia tăng đều đặn của tuổi thọ của dân Pháp suốt trong những thập niên qua phần lớn là do sự cải thiện công tác phát hiện bệnh và kiểm tra những yếu tố nguy cơ tim mạch, nhưng sự kiểm tra này phải được theo đuổi qua năm tháng để giữ gìn chất lượng sống và tránh những tật nguyền. (LE FIGARO 29/10/2010) Đọc thêm :
4/ DMLA : MỘT TRONG NHỮNG NGUYÊN NHÂN ĐƯỢC CẬP NHẬT
Bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (DMLA : dégénérescence maculaire liée à l’âge) là sự phá hủy dần dần của hoàng điểm (macula), phần trung tâm của võng mạc, thường nhất xuất hiện sau 65 tuổi. Đó là nguyên nhân chính gây mù lòa trong thế giới Tây phương. Với sự lão hóa của dân số, tần số xuất hiện của DMLA không ngừng gia tăng. Những yếu tố làm dễ, thuốc lá, cao huyết áp, cholestérol quá mức, đã được nhận diện, nhưng dường như rằng 75% các trường hợp được liên kết với một tố bẩm di truyền (prédisposition génétique). Yếu tố di truyền thường gặp nhất là CFH, một gène nằm trong nhân của các tế bào võng mạc. Khi gène này bị biến đổi, nguy cơ xuất hiện DMLA gia tăng từ 3 đến 7 lần. Một nhóm nghiên cứu Anh (các GS Paul Bishop, đại học Manchester, và Tony Day thuộc Manchester ‘s Wellcome Trust) mới đây đã làm sáng tỏ cơ chế gây bệnh : một CFH bị biến đổi sản xuất ra một protéine bị hỏng, không có thể gắn vào hoàng điểm, gây nên sự loạn năng của những tế bào miễn dịch, tấn công vào vùng não bộ của võng mạc. Các tác giả nghĩ rằng việc cho những protéine lành mạnh (được tổng hợp bởi génie génétique) có thể là một điều trị có hiệu quả. (PARIS MATCH 13/1-19/1/2011)
5/ PHẢI CHĂNG NGÀY NAY TA CÓ THỂ ĐIỀU TRỊ SÂU RĂNG BẰNG NHỮNG KỸ THUẬT ÍT HUNG BẠO HƠN ?
BS Christophe Lequart, Chirurgien-dentiste, Union française pour la santé bucco-dentaire
Dầu đó là những thương tổn khởi đầu của men răng (lésion amélaire) hay những thương tổn với sự tạo thành các lỗ hổng (cavitation) trong răng, việc điều trị sâu răng trong thời gian gần đây đã tiến triển nhiều. Ngày nay, việc nhận diện để rồi làm giảm các nguy cơ sâu răng (risque carieux) đã trở thành thiết yếu nhằm phát triển sức khỏe và thẩm mỹ răng của các bệnh nhân, với những điều trị càng ngày càng ít xâm nhập. Với điều kiện tôn trọng 4 giai đoạn chủ chốt : chẩn đoán các nguy cơ, những hành động phòng ngừa, một sự phục hồi tối thiểu (restauration à minima) và một sự duy trì thường xuyên sức khỏe răng. Như thế cách mạng hóa sự thực hành nha khoa. Và nếu từ nay đến vài năm nữa, các sửa chữa răng bằng can thiệp ngoại khoa trở thành ngoại lệ và không còn là quy tắc nữa? Một điều chắc chắn: khi các kiến thức về các bệnh răng và việc điều trị chúng càng ngày càng tiến triển, thì nghệ thuật nha khoa càng ngày càng rời bỏ lãnh vực ngoại khoa để đầu tư vào lãnh vực nội khoa : ngày nay có thể chữa lành những thương tổn sâu răng bằng những phương thức tái khoáng hóa (procédé de reminéralisation) không xâm nhập, như thế tránh phải thực hiện những can thiệp phục hồi và khi không còn có thể thực hiện được nữa những can thiệp phẫu thuật tối thiểu nhằm hạn chế quy mô của các can thiệp phục hồi.
Điều đầu tiên là đánh giá các nguy cơ. Bởi vì khi ta nói là điều trị răng ít xâm nhập ta phải hiểu vấn đề riêng của mỗi bệnh nhân. Một vấn đề mà ta có thể xác định bằng cách trả lời hai câu hỏi. Làm sao bệnh nhân đã đi đến chỗ như vậy ? Làm sao tránh không để cho bệnh lý của bệnh nhân này tiến triển thêm nữa ? Bởi vì sâu răng là một bệnh nhiễm trùng cần môi trường thuận lợi, với các vi khuẩn gây sâu răng hiện diện trong mảng răng (plaque dentaire), mà sự phát triển của chúng được làm dễ bởi những chế độ ăn uống có dung lượng đường cao.
BILAN ĂN UỐNG
Nếu 3 yếu tố này hội đủ, vi khuẩn làm lên men các chất đường, như thế sinh ra acide làm hạ pH, bình thường trung tính trong miệng. Khi đó nồng độ acide tấn công ngà răng (émail), gây mất chất khoáng (déminéralisation) và làm sâu răng. Điều đó nói lên lợi ích của việc đánh giá, trước mọi chuyện khác, nguy cơ sâu răng của mỗi cá thể bệnh nhân. Và điều này, không phải một cách chủ quan, mà nhờ những dụng cụ hiện đại mà tính hiệu quả đã được chứng minh về mặt khoa học.
Hãy bắt đầu bằng một bilan ăn uống, cho phép xác nhận những thói quen và chế độ ăn uống của bệnh nhân. Rồi một bilan về vệ sinh răng miệng nhờ những dấu hiệu chỉ dẫn của mảng răng (plaque dentaire) và những trắc nghiệm nước bọt (test salivaire), sẽ cho phép đánh giá xem nước bọt có khả năng bảo vệ xoang miệng của bệnh nhân hay không. Phần lớn các trắc nghiệm nước bọt có khả năng tìm kiếm rất nhanh sự hiện diện của những vì khuẩn gây sâu răng, đánh giá nước bọt và những tính chất đệm của nó qua pH cũng như đo lượng, tính lưu (fluidité) và khả năng “tái cung cấp” chất khoáng của nó. Điểm cuối cùng của bilan và không phải là ít ỏi : phát hiện những thương tổn sâu răng đồng thời tránh chỉ giới hạn vào việc chụp X quang, bởi vì các phim quang tuyến, trái với những dụng cụ chẩn đoán hiện đại, chỉ cung cấp rất ít các thông tin, thậm chí không mang lại gì cả, về những thương tổn ban đầu. Hoàn toàn không gây đau đớn, những dụng cụ này phát hiện một cách đáng tin cậy, nhờ những thay đổi của huỳnh quang, những thương tổn giai đoạn sớm.
Điều quan trọng là ngăn ngừa trước cả điều trị. Như thế, một khi nguy cơ sâu răng được nhận diện, phải nhường bước cho một phương pháp phòng ngừa thật sự. Nơi vài bệnh nhân, một sự thay đổi chế độ ăn uống và lối sống là điều bắt buộc, với sự kiểm soát cách ăn uống, giảm đường và các đồ uống có chất axit, hay ngừng việc nhấm nháp. Nơi những bệnh nhân khác, chính sự giáo dục vệ sinh răng miệng là quan trọng nhất với : đánh răng hiệu quả bằng thuốc đánh răng có flo (dentifrice fluorée), 3 lần mỗi ngày, súc miệng với chất cơ bản chlorexidine trong vòng một phút mỗi buổi chiều trong 15 ngày để làm hạ lượng vi khuẩn và nhai chewing-gum có chất cơ bản xylitol 3 đến 5 lần mỗi ngày để làm gia tăng sự sản xuất nước bọt và khả năng đệm của nó.
Sau cùng, phải thực hiện lau chùi dự phòng răng bằng các bàn chải nhỏ (brossette) và bột để mài nhẵn (pâtes à polir) hay aéropolisseur. Không quên điều chỉnh sự bất quân bình của cán cân khoáng (balance minérale) của môi trường miệng, nhờ những chất làm dễ quá trình tái khoáng hóa (reminéralisation) : vernis fluoré hay những dung dịch chứa calcium và phosphate để tạo lại các tinh thể ngà răng.
YẾU TỐ STRESS
Chấm dứt việc phải nhờ đến một cách hệ thống cái khoan răng (fraise) để điều trị và nhường chỗ cho dung dịch hóa học (dissolution chimique), aéro-abrasion, sono-abrasion hay laser. Bấy nhiêu kỹ thuật ngày nay cho phép chỉ nhắm vào việc lấy đi một cách tối thiểu mô răng bị nhiễm trùng. Những vật liệu dính (matériaux adhésifs) cho phép chỉ phục hồi phần không có thể tái khoáng hóa (partie non reminéralisable) của thương tổn răng, với những tính chất như khả năng ngăn chận vi trùng (étanchéité aux bactéries), khả năng dính vào cấu trúc răng nhờ chất hoá học, và đối với vài vật liệu, khả năng tái khoáng hóa (capacités reminéralisatrice) với mức độ thẩm mỹ gần giống các mô răng.
Một khi những yếu tố nguy cơ được kiểm soát, các điều trị phòng ngừa được thực hiện và những thương tổn sâu răng được phục hồi tối thiểu, còn phải duy trì sức khỏe răng của các bệnh nhân. Một sức khỏe tùy thuộc vào môi trường ăn uống của họ cũng như vào bối cảnh sống và sự căng thẳng phát xuất từ đó. Điều này cần phải tái đánh giá đều đặn những yếu tố nguy cơ, kiểm soát khuẩn chí (flore bactérienne) và theo đó thích ứng những điều trị phòng ngừa. Bằng cái giá này ta có được một sức khỏe răng-miệng dài lâu. (LE FIGARO 13/12/2011)
6/ NHỮNG YẾU TỐ DI TRUYỀN LIÊN KẾT VỚI BỆNH LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG
Trong lúc so sánh ADN của 5.586 phụ nữ bị chứng lạc nội mạc tử cung (endométriose) và của 9.331 người lành mạnh (công trình nghiên cứu liên kết quy mô génome từng được thực hiện cho đến nay và là công trình đầu tiên được thực hiện ở các phụ nữ châu Âu), các nhà nghiên cứu (Đại học Oxford), Úc (Viện nghiên cứu y khoa của Queensland) và Hoa Kỳ (đại học y khoa Havard và Brigham và Women’s Hospital), đã nhận diện hai vùng của génome liên kết với một nguy cơ gia tăng bị bệnh lạc nội mạc tử cung nơi vài phụ nữ.
Biến thể (variante) đầu tiên được phát hiện nằm ở nhiễm sắc thể số 7. Biến thể này thường có nhiệm vụ điều hòa các gène lân cận tham gia vào sự phát triển của tử cung và thành của nó. Biến thể thứ hai nằm trên nhiễm sắc thể số 1, gần gène WNT4. Biến thể này có can dự trong chuyển hóa hormone và sự phát triển và chức năng của bộ máy sinh sản nữ.
Công trình nghiên cứu này là một bước tiến đáng kể. Mặc dầu vẫn còn phải xác định tác dụng của những biến thiên di truyền này lên sự tạo thành của các thương tổn lạc nội mạc tử cung, nhưng khám phá này đã mang lại hai hy vọng, hy vọng có một chẩn đoán sớm hơn, trước khi bắt đầu các triệu chứng, và hy vọng hiệu chính một điều trị phòng ngừa hiệu quả hơn. Bệnh lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng lên khoảng 170 triệu phụ nữ trên thế giới, hoặc 10% các phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản. (LE JOURNAL DU MEDECIN 14/1/2010)
7/ BỆNH ALZHEIMER : VITAMINE B 12 LÀM GIẢM NGUY CƠ
Các nhà nghiên cứu của Viện Karolinska (Stockholm) đã theo dõi trong 7 năm, 271 người lành mạnh, giữa 65 và 79 tuổi vào lúc bắt đầu công trình nghiên cứu. Sau thời gian này, 17 người đã phát triển một bệnh Alzheimer. Những nồng độ vitamine B 12 tăng cao tương ứng với một sự giảm 2% nguy cơ xuất hiện bệnh, trong khi những nồng độ thấp được liên kết với một nguy cơ tăng cao rõ rệt (16%). Vitamine B12 bình thường hóa nồng độ homocystéine, acide aminé bị nghi ngờ làm dễ sự xuất hiện bệnh Alzheimer. (PARIS MATCH 20/1-26/1/2011)
8/ NHỮNG NGƯỜI CÓ NGUY CƠ CAO BỊ BỆNH XƠ CỨNG RẢI RÁC : HÃY ĐIỀU TRỊ SỚM HƠN !
GS Patrick Vermersch, thầy thuốc thần kinh (CHU de Lille), trình bày những lợi ích của một điều trị cực sớm ngay những triệu chứng đầu tiên gợi ý bệnh xơ cứng rải rác.
Hỏi : Những kết quả của một công trình nghiên cứu rộng lớn về điều trị duy trì bệnh xơ cứng rải rác (sclérose en plaques) vừa được công bố. Protocole của nó là gì ?
GS Patrick Vermersch. Tính chất độc đáo của công trình nghiên cứu quốc tế này, lâu nhất từng được thực hiện, là đã theo dõi trong hơn hai mươi năm nhiều trăm bệnh nhân được điều trị. Lúc khởi đầu, cuộc điều tra này có mục đích chứng tỏ tính hiệu quả của các interféron. Những kết quả đã cho phép chứng minh một cách rõ ràng rằng những bệnh nhân, đã nhận sớm các loại thuốc này (ngay những tuần lễ đầu sau cơn bộc phát đầu tiên thay vì ba hay bốn năm sau), hưởng được một sự tiến triển của bệnh chậm hơn nhiều và do đó một sự giảm mạnh các phế tật.
Hỏi : Những phế tật do bệnh xơ cứng rải rác thường là những phế tật nào ?
GS Patrick Vermersch. Bệnh xơ cứng rải rác phần lớn gây bệnh nơi những người trưởng thành trẻ tuổi. Đó là một bệnh tự miễn dịch (maladie autoimmune), được liên kết với một sự loạn năng của hệ miễn dịch. Do sự loạn năng này, hệ miễn dịch nhận dạng các thành phần của chính cơ thể người bệnh như là những vật lạ và trong trường hợp này tấn công myéline, lớp vỏ bọc của các dây thần kinh. Điều này dần dần dẫn đến, thuờng nhất sau 10 đến 30 năm, sự chết của tế bào thần kinh. Trong những trường hợp rất nặng, các chi dưới có thể bị bại liệt (ngay cả đôi khi cả 4 chi), khiến phải di chuyển bằng xe lăn.
Hỏi : Người ta có biết những nguyên nhân của bệnh này hay không ?
GS Patrick Vermersch. Chúng ta chỉ có những giả thuyết. Bệnh tự miễn dịch này có thể là hậu quả của những nhiễm trùng do virus, hay được gây nên bởi những yếu tố môi trường (nhưng không có một yếu tố nào chính thức được nhận diện). Trong vài gia đình, ta quan sát thấy một sự mẫn cảm đối với bệnh lý này.
Hỏi : Có những dạng bệnh khác nhau không ?
GS Patrick Vermersch : Có hai dạng. Dạng đầu tiên (9 bệnh nhân trên 10) tiến triển bằng các đợt viêm (poussée inflammatoire) với triệu chứng thay đổi. Trong số những dấu hiệu cho phép nghi ngờ, rất thường ta quan sát thấy một sự giảm thị lực, một sự yếu vận động của một chi, chóng mặt, những rối loạn cân bằng hay tiểu tiện... có thể kéo dài nhiều tuần. Rất thường, đồng thời các bệnh nhân kêu van mệt. Tần số các đợt bộc phát không thể tiên đoán được, thay đổi từ nhiều cơn mỗi năm đến vài cơn trong nhiều năm. Dạng khác của xơ cứng rải rác (10% các trường hợp) tiến triển không thành cơn, âm ỉ hơn nhiều, gây nên một sự yếu vận động và những rối loạn tiểu tiện.
Hỏi : Để điều trị vào giai đoạn sớm nhất, làm sao chẩn đoán một cách chắc chắn sự xuất hiện của bệnh lý này ?
GS Patrick Vermersch : Trước hết bằng một thăm khám lâm sàng và một IRM của não bộ. Nhưng trong nhiều trường hợp, các hình ảnh gợi ý một sự mất myéline không nhất thiết đặc trưng cho một xơ cứng rải rác. Khi đó chọc dò tủy sống tỏ ra cần thiết để tìm kiếm sự hiện diện của những kháng thể đặc biệt : các immunoglobuline. Phải thú nhận rằng vì không có những chất chỉ dấu đáng tin cậy, nên khó tiên đoán được sự tiến triển của các triệu chứng. Chẩn đoán là khó, do đó việc điều trị thường quá muộn, nghĩa là ba hoặc bốn năm sau một cơn đầu tiên, khi đó những thương tổn não bộ không hồi phục được đã thành hình.
Hỏi : Cho đến nay, sau khi đã chẩn đoán, làm sao ta làm chậm lại tiến triển của một xơ cứng rải rác ?
GS Patrick Vermersch : Chủ yếu với các immunorégulateur, nhằm kiểm soát sự loạn năng miễn dịch, được tiêm lâu dài. Các thuốc được sử dụng nhất là các interféron, acétate de glatiramère (Copaxone) và natalizumab (Tysabri). Với liệu pháp này, tần số của các cơn và nguy cơ tiến triển của phế tật giảm. Vì những thương tổn ở não bộ là không hồi phục được, nên cần thiết (ngày nay ta có những lý lẽ để chứng minh điều đó) phải điều trị các bệnh nhân ngay những dấu hiệu gợi ý đầu tiên. Y sĩ đoàn từ lâu đã hoài nghi về tính hiệu quả của một liệu pháp dài lâu. (PARIS MATCH 13-19/1/2011)
9/ XƠ CỨNG RẢI RÁC : SỰ ĐỘT PHÁ QUAN TRỌNG TRONG SỰ TÁI SINH CỦA CÁC DÂY THẦN KINH BỊ THƯƠNG TỔN
Các nhà nghiên cứu Anh đã khám phá một cách làm hoạt hóa những tế bào gốc của não bộ và khiến chúng sửa chữa những tổn hại gây nên cho hệ thần kinh trung ương. Mặc dầu các nguyên nhân của xơ cứng rải rác chỉ được biết một phần, những yếu tố di truyền, môi trường (các nước ôn đới bị ảnh hưởng nhiều hơn các nước nhiệt đới) và một yếu tố phát khởi bệnh, có lẽ là nhiễm trùng và mặc dầu nhiều gène liên hệ trong sự xuất hiện của bệnh đã được khám phá từ những năm 1970, đặc biệt là ở hệ thống tương hợp sinh học (HLA), nhưng căn bệnh này hiện nay vẫn không có thể chữa khỏi và tiến triển của nó khó mà tiên đoán được.
Một bước mới có lẽ vừa được thực hiện. Lần này không chỉ có vấn đề dập tắt bệnh xơ cứng rải rác mà còn làm đảo ngược tiến triển của nó. Thật vậy, các nhà nghiên cứu của những đại học Cambridge, ở Anh, và Edimbourg, ở Ecosse, vừa nhận diện, trên động vật, một cơ chế thiết yếu, qua đó các tế bào gốc của não bộ có thể được kích thích để sửa chữa những di chứng gây nên bởi căn bệnh này trên bao myéline.
“Những liệu pháp để sửa chữa những thương tổn gây nên bởi bệnh xơ cứng rải rác là khâu chính yếu trong điều trị căn bệnh tàn phá này, GS Robin Franklin, giám đốc của Center for Myelin Repair thuộc đại học Canbridge đã giải thích như vậy. « Trong công trình nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi đã nhận diện một phương tiện nhờ đó các tế bào gốc của não bộ có thể được kích thích để thực hiện sự sửa chữa này, mở đường cho sự phát triển của một liệu pháp tái sinh (thérapie régénératrice) mới. Liệu pháp này sử dụng tiềm năng tự chữa lành của cơ thể của bệnh nhân ». “Đó là một trong những diễn biến đáng lưu ý của những năm qua”, Simon Gillespie, giám đốc của MS Society, hiệp hội Anh chống bệnh xơ cứng rải rác, đã đánh giá như vậy. Theo ông, những thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu trong 5 năm đến và một điều trị có thể có từ nay đến 15 năm nữa. Như vậy mang lại hy vọng cho khoảng 2,5 triệu bệnh nhân trên thế giới. (LE JOURNAL DU MEDECIN 21/12/2011) Đọc thêm :
10/ MỘT VACCIN ĐÃ GIEO HOẢNG SỢ VÌ NHỮNG DỮ KIỆN GIẢ MẠO.
SANTE PUBLIQUE. “Gian lận”, “Giả mạo chế biến” : chính bằng những lời như quất vào người này mà British Medical Journal (BMJ) vừa gọi một công trình nghiên cứu đã từng gieo hoảng sợ ở Anh và Hoa Kỳ vào cuối những năm 1990, khi cho biết có một mối liên hệ giữa vaccin chống bệnh sởi, rubéole và các bệnh quai bị (ROR) và sự xuất hiện một dạng bệnh tự kỷ (autisme) ở trẻ em.
Tạp chí y học The Lancet, vốn đã công bố, vào năm 1998, những công trình bị tranh cãi của BS Andrew Wakefield và của 12 đồng nghiệp của Royal Free Hospital và của School of Medicine de Londres, đã chính thức xin rút lời vào tháng hai vừa qua. Theo cùng ý kiến của General Medical Council (GMC) Anh, cho là vài yếu tố “không chính xác” và một phuơng thức trái với đạo đức y khoa, The Lancet đã quyết định thu hồi tài liệu xuất bản này, nguyên nhân của một tâm lý chống việc tiêm chủng ROR (psychose anti-ROR) ở Anh.
Nhưng lần này, trong số vừa qua, BMJ không những dành một hồ sơ cho vụ việc gây tai tiếng này, mà lại còn đi xa hơn, buộc tội Wakefield, không phải là đã lầm lẩn, nhưng đã cố ý giả mạo những dữ kiện của mình. Sự việc bất thường đối với một tạp chí y học, BMJ đã mở rộng các cột báo cho một phóng viên, Brian Deer, mà cuộc điều tra tỉ mỉ, được công bố trong Sunday Times năm 2004, đã phát động một cuộc tranh luận. Những tiết lộ của phóng viên này đã đưa đến cuộc điều tra của GMC, khiến Wakefield và John Walker-Smith, một trong những người đồng ký tên của công trình nghiên cứu, vào tháng năm vừa rồi bị loại ra khỏi danh sách của các thầy thuốc người Anh.
Mối liên hệ được đề xuất bởi nhóm nghiên cứu của Wakefield, giữa vaccin ROR và một “hội chứng mới” viêm tiểu-đại tràng (entérocolite) và bệnh tự kỷ “thoái triển” (autisme régressif), được căn cứ trên sự nghiên cứu của một mẫu nghiệm chỉ gồm 12 trẻ em, không có trường hợp chứng (cas témoin), chủ yếu chỉ xét đến những hồi tưởng hay những ý kiến của những người thân của chúng. Hơi nhanh.
Chính trong lúc phỏng vấn các bố mẹ của các trẻ em, từng người một, mà Deer đã khám phá tầm cỡ của sự gian trá. Và đặc biệt bằng cách nào Wakefield “đã biến đổi nhiều sự kiện có liên quan đến bệnh sử của các bệnh nhân trong mục đích làm cho tin tưởng rằng ông ta đã nhận diện một hội chứng mới”, người viết xã luận của tạp chí BMJ đã viết như vậy. Chính như thế mà trong số 9 trẻ em được xem như là bị bệnh tự kỷ thoái biến (autiste régressif) trong công trình nghiên cứu, chỉ có một là thật sự như vậy mà thôi. Cũng như vậy, trong khi các tác giả cho rằng 12 trẻ em vốn “bình thường” trước khi tiêm chủng, thì ra rằng 5 trong số những trẻ này trước đó đã có những rối loạn về phát triển. Tương tự như vậy đối với sự xuất hiện của các triệu chứng : Wakefield cho rằng các triệu chứng xuất hiện trong những ngày sau khi tiêm chủng, trong khi các dữ kiện của công trình nghiên cứu lại chỉ rõ rằng thời gian có thể nhiều tháng… Sau cùng Deer đã phát hiện rằng phần lớn những bệnh nhân trẻ tuổi này đã được “chiêu mộ” bởi các hội đoàn chống tiêm chủng trong mục đích ủng hộ một vụ kiện ở tòa. Điều đáng ngạc nhiên nhất là đã phải cần đến 12 năm để những trò gian xảo thô thiển này được công nhận hoàn toàn và bị trừng phạt. Được phỏng vấn trên CNN, Andrew Wakefield buộc tội Brian Deer là “kẻ giết mướn” được thuê bởi công nghiệp dược phẩm.
Một điều chắc chắn, sự từ chối của nhiều bố mẹ không để cho con em mình được tiêm chủng sau sự báo động giả này, đã gây nên một sự bùng nổ số những trường hợp bệnh sởi ở Hoa Kỳ và ở Anh. “Vào năm 2008, lần đầu tiên từ 14 năm qua, căn bệnh này (có thể gây chết người) đã được tuyên bố là dịch bệnh địa phương (endémique) ở Anh và Xứ Galles”,BMJ đã phàn nàn như vậy. Cho đến hôm nay, ở Vương Quốc Anh, hàng trăm ngàn trẻ em sống không được bảo vệ bởi tiêm chủng ROR. (LE FIGARO 9/1/2011)

BS NGUYỄN VĂN THỊNH, Chuyên Khoa Nội Thương và Cấp Cứu
(24/1/2011)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More