Thời Sự Y Học số 209



Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Chuyên Khoa Nội Thương và Cấp Cứu

1/ SỰ PHỒN VINH CỦA CÁC GÂY MÊ “ NHẸ ”
NHỮNG ĐIỂM MỐC
GIẢI PHẪU. Mặc dầu các tiến bộ to lớn được thực hiện trong 20 năm qua, cách tác dụng của gây mê về nhiều khía cạnh vẫn còn bí ẩn. Chủ nghĩa thường nghiệm và thực dụng đã luôn luôn chế ngự mặt này của y khoa. Dạng sơ đẳng đầu tiên của gây mê, được sử dụng bởi các nhà ngoại khoa, đã là tính chất nhanh chóng của can thiệp (thí dụ vài giây để thực hiện một phẫu thuật cắt cụt).
CÁC LOẠI THUỐC. Dĩ nhiên ta ở xa thời kỳ của các thuốc nước (potion) và những elixir khác của thời xưa, phối hợp nước ép của cây thuốc phiện (suc de pavot), gai dầu (chanvre) hay opiacés. Cũng xa thời kỳ sử dụng cồn, lạnh, rồi éther vào giữa thế kỷ XIX, tiếp theo sau là chloroforme và những dẫn xuất của curare. Ngày nay những thuốc được sử dụng, chủ yếu tổng hợp, hoạt tính hơn và ít độc hơn. Ngoài ra, các cocktail gồm những chất khác nhau đã được hiệu chính, làm tối ưu sự gây mê, làm dễ sự thức dậy và cho phép quản lý tốt hơn những đau đớn hậu phẫu. Những tiến bộ được thực hiện cũng phát xuất từ sự nhắm đích tốt hơn của các gây mê trên bộ phận của cơ thể được giải phẫu.
SỰ AN TOÀN. Gần 8 triệu động tác gây mê (acte d’anesthésie) (trong đó 1/3 không phải những động tác ngoại khoa, để trắc nghiệm và thăm khám) được thực hiện mỗi năm ở Pháp, bởi 9000 thầy thuốc gây-mê hồi sức và 6500 y tá chuyên khoa trong phòng mổ chuyên môn và càng ngày càng được robot hóa. Người ta ước tính hôm nay nguy cơ là 7 tai biến đối với 1 triệu động tác được thực hiện.
NGOẠI TRÚ. Tất cả những tiến bộ này đã cho phép một sự phát triển chưa từng có của ngoại khoa ngoại trú (chirurgie ambulatoire), nghĩa là cho phép trở về nhà ngày được mổ. Ngoại khoa ngoại trú liên hệ đến những động tác chẩn đoán (acte diagnostique) như nội soi sợi dạ dày (fibroscopie gastrique), nội soi khí quản hay những động tác ngoại khoa như nội soi khớp gối hay đục thủy tinh thể.
Các kỹ thuật an thần đã đạt những tiến bộ đáng kể trong 10 năm qua.
CHIRURGIE. Đi đến bệnh viện để được mổ rồi trở về cùng ngày, đó là định nghĩa của gây mê ngoại trú (ambulatoire). Ngày nay gây mê ngoại trú được đề nghị cho nhiều thủ thuật chẩn đoán (acte diagnostique) như nội soi sợi dạ dày (fibroscopie gastrique), nội soi khí quản hay ngoại khoa như thí dụ soi khớp gối (arthroscopie du genou).
Gây mê ngoại trú (anesthésie ambulatoire) đạt nhiều kỷ lục trong vài chuyên khoa như nhãn khoa (ophtalmologie), với gần 100% những can thiệp đối với bệnh đục thủy tinh thể hay một ống lệ bị tắc. “Và tất cả những điều tra dư luận cho thấy rằng cứ mười bệnh nhân thì chín rất thỏa mãn về điều này”, BS Laurent Jouffroy (thầy thuốc gây mê ở Strasbourg), chủ tịch của Sfar (Sociéte française d’anesthésie-réanimation) đã nhấn mạnh như vậy.
Một điểm số (score) rất tốt, không làm ngạc nhiên các nhà gây mê-hồi sức của chúng tôi: thủ thuật cũng giống như thủ thuật được thực hiện trong trường hợp của một nhập viện kéo dài : nhưng đó không hề là một “can thiệp hạ giá” (intervention au rabais). Mặt khác, sự tổ chức được thực hiện vì lợi ích tối ưu của bệnh nhân. Ngoài ra, những người không thật sự tán đồng “thí dụ, bởi vì họ sống đơn độc, họ vẫn có khả năng ở lại ban đêm. “Gây mê ngoại trú đang phát triển phồn vinh, đó là bởi vì sự tổ chức, ngoại khoa và gây mê-hồi sức đã thực hiện những tiến bộ quan trọng. Những tiến bộ đã cho phép một gây mê ít hung bạo hơn và một điều trị tối ưu sự đau đớn hậu phẫu”, BS Jouffroi đã nhấn mạnh như vậy.
GS Alexandre Mignon (khoa gây mê-hồi sức của Groupe hospitalier Cochin, Paris) đồng ý với ý kiến này : “Những cải tiến công nghệ học quan trọng đã được thực hiện ở phòng mổ trong những năm qua đến độ máy móc càng ngày càng thường có khả năng quản lý một cách “tự trị” và “cá thể hóa” (personnalisé) sự gây mê, sự an thần và sự giảm đau của các bệnh nhân. Nhưng máy móc không làm tất cả mọi chuyện. Trước đây, gây mê chủ yếu quan tâm đến những gì xảy ra trong cuộc mổ, ở phòng mổ. Ngày nay, vai trò của thầy thuốc gây mê (cũng là thầy thuốc hồi sức, do đào tạo) là can thiệp trước và sau gây mê: nói một cách khác, chăm lo chuẩn bị tối ưu và sự phục hồi của bệnh nhân.” Và điều đó thay đổi tất cả !
“ SINH THÁI HƠN ”
Dự kiến các nguy cơ liên quan đến thời kỳ trước, trong và sau mổ (période péri-opératoire) để làm giảm thiểu chúng, đó là “écologique” hơn, đồng thời tôn trọng nhiều hơn sinh lý của cơ thể. “Chúng tôi đang tìm cách làm giảm tối đa những điều trị không cần thiết và ngăn ngừa mọi tác động có hại, GS Mignon đã xác nhận như thế. Thí dụ: một sự thông khí (ventilation) “nhẹ nhàng” hơn cho phép tránh nguy cơ làm thương tổn phổi. Và sự kê đơn érythropoiétine trước một phẫu thuật có nguy cơ xuất huyết cho phép người bị mổ tương lai tránh một sự truyền máu phải thực hiện cấp cứu. Một sự nhận biết tốt hơn các bệnh nhân khả dĩ đặt ra một vấn đề nghiêm trọng trong lúc gây mê đã là một trong những cái được thua lớn của những năm qua. Cũng có nhiều công trình nghiên cứu trong lãnh vực hồi sức này, với hy vọng, trong 10 năm đến, tìm ra những chất chỉ dấu mới có khả năng ngăn ngừa chúng ta khỏi bị một sự suy sút của cơ quan này hoặc của cơ quan kia.
Về hậu phẫu, vấn đề này cũng không bị bỏ quên. Săn sóc hậu phẫu đã hưởng được nhiều tiến bộ. “Trước đây ta cần nhiều ngày sau khi mổ để bắt đầu phục hồi chức năng một bệnh nhân, thì giờ đây, vật lý trị liệu rất thường có thể bắt đầu trong những giờ sau khi bệnh nhân trở lại phòng, BS Jouffroy đã nhận xét như vậy. Và với những kết quả thật tốt hơn”. Đứng dậy, ăn uống, đi cầu trở lại, có thể bắt đầu rất nhanh phục hồi chức năng khi được chỉ định : tất cả những tiến bộ này ta có được là nhờ những tiến bộ được thực hiện trong ngoại khoa (ít gây chấn thương), nhưng nhất là nhờ một điều trị tốt hơn triệu chứng đau hậu phẫu. Thí dụ : những cathéter nhỏ được đưa vào trong các sẹo mổ và phát ra những thuốc giảm đau, không gây nguy cơ và điều đó thay đổi cuộc sống của một người được mổ. “Từ khi các thầy thuốc gây mê đã thôi không còn tập trung duy nhất vào động tác gây mê, đã không bao giờ đạt được nhiều tiến bộ như thế: về mặt sự thoải mái, đối với các bệnh nhân; về thời gian nhập viện, và ngay cả về sự an toàn, trong khi ta mổ những người già hơn có nhiều bệnh lý liên kết hơn là người ta đã từng làm trước đây, GS Jean-Etienne Bazin (trưởng khoa gây mê-hồi sức, CHRU Clermont-Ferrand) đã kết luận như vậy (LE FIGARO 10/1/2011)
2/SỰ AN TOÀN TIẾP TỤC GIA TĂNG, NHƯNG SỰ SỢ HÃI VẪN CÒN
Mỗi năm, khoảng 8 triệu động tác gây mê (acte d’anesthésie) được thực hiện ở Pháp, trong đó 1/3 đối với những động tác không thuộc về ngoại khoa (acte non chirurgical) (nhân dịp một thăm khám, một cuộc sinh đẻ,...). “Gây mê tổng quát (anesthésie générale) vẫn được thực hiện nhiều nhất. Nó nhằm hủy bỏ cảm giác đau đớn, đồng thời làm giãn hoàn toàn các cơ và mất tri giác”, BS Bazin đã xác nhận như vậy. Mặc dầu còn thiểu số, nhưng đang tiến triển hằng định, gây mê tại chỗ-vùng (anesthésie loco-régionale) cho phép làm tê một phần của cơ thể, nhưng không làm biến đổi tình trạng tri giác. Thuộc về anesthésie loco-régionale là gây mê quanh màng cứng (péridurale) và gây mê tủy sống (rachinesthésie). Tin vui, các kỹ thuật gây mê này cũng đã đạt được những tiến bộ to lớn về mặt an toàn: việc sử dụng các loại kim đặc biệt để thực hiện động tác, việc sử dụng kỹ thuật xác định vị trí thần kinh (repérage nerveux) và sự sử dụng những thuốc gây tê tại chỗ, có độc tính thần kinh thấp, đặc biệt hạn chế nguy cơ bị những thương tổn thần kinh.
CÔNG NGHỆ HỌC MŨI NHỌN
“Để đảm nhận những gây mê tổng quát (anesthésie générale) và gây mê tại chỗ-vùng (anesthésie locorégionale) này, chúng tôi trông cậy vào gần 9000 thầy thuốc gây mê-hồi sức (11 năm đào tạo), làm việc hợp tác chặt chẽ với khoảng 6500 y tá gây mê (5 năm đào tạo)”, GS Mignon và BS Jouffroy đã nhắc lại như vậy. Nhưng điều đó không ngăn cản những người Pháp có một vài e ngại: nỗi lo sợ không còn thức dậy nữa sau một gây mê tổng quát hay vẫn bị bại liệt sau một gây mê tại chỗ-vùng (anesthésie loco-régionale), đối với hơn 40% những người Pháp được hỏi trong một cuộc thăm dò của Sfar (Sociéte française d’anesthésie-réanimation), vào tháng sáu 2010. Cũng như nỗi lo sợ thức dậy vào ngay giữa cuộc mổ!
“Thật xa rồi cái thời mà những thầy thuốc gây mê đầu tiên làm ngủ các bệnh nhân với một miếng gạc tẩm éther đặt trên miệng! Ngày nay, trình độ công nghệ học trong các phòng mổ có thể so sánh với trình độ của một buồng lái máy bay (cockpit d’avion): tất cả được tiêu chuẩn hóa, được xác định bằng những tham số (paramétré) và được theo dõi. Chúng tôi đặc biệt có những dụng cụ rất hiệu năng cho phép đánh giá rất chính xác độ sâu của gây mê suốt trong lúc phẫu thuật, GS Bazin đã giải thích như vậy. Như thế tránh được hai cạm bẫy : đánh thuốc mê và làm ngủ quá nhẹ, với nguy cơ não bộ giữ trong trí nhớ một kỹ niệm xấu về kinh nghiệm gây mê này.Và làm ngủ quá sâu, trong khi các công trình nghiên cứu đúng là đã chứng tỏ rằng một sự gây mê “hung bạo” quá quan trọng làm gia tăng nguy cơ xuất hiện một tai biến tim mạch trong những tuần hay tháng sau gây mê.
Tuy vậy nguy cơ zéro không hiện hữu, mặc dầu ta đếm được mười lần tử vong ít hơn so với cách nay 20 năm. Trong khi vẫn còn có một trường hợp tử vong đối với 10.000 động tác gây mê vào năm 1990, thì tai biến quan trọng này giờ đây đang trụt lui rõ rệt. Đối với 1 triệu động tác được thực hiện, ta ghi nhận 7 tai biến chết người trực tiếp có thể quy cho gây mê, điều này tương ứng với nguy cơ một chiếc máy bay đường dài của một công ty hàng không biến mất ngay trong lúc bay. Mặc dầu vô cùng hiếm hoi, loại tai biến này tuy vậy vẫn ăn sâu trong đầu của những người Pháp, có lẽ do médiatisation của tai biến của Jean-Pierre Chevènement cách nay đã hơn 10 năm. Về số tử vong gây nên do gây mê, thí dụ do làm dễ sự mất bù của một vấn đề tim, tỷ lệ là 50 trường hợp tử vong đối với 1 triệu động tác gây mê được thực hiện. Hoặc tính toàn bộ dưới 430 trường hợp tử vong mỗi năm. Đó là 12 hai lần ít hơn so với lúc ta ở trên đường. (LE FIGARO 10/1/2011)
Ghi chú : 3 loại gây mê :
1/ Gây mê tại chỗ (anesthésie locale) : được giới hạn vào một vùng của cơ thể. Được thực hiện bằng tiêm hãy đặt một gel.
2/ Gây mê tại chỗ-vùng (anesthésie loco-régionale) :
a/ Gây mê ngoại biên (anesthésie périphérique) : Làm mất cảm giác một chi. Đặt thuốc gây mê sau khi xác định vị trí của các dây thần kinh cần phong bế nhờ một thiết bị kích thích thần kinh (stimulateur nerveux).
b/ Gây mê tủy sống (Rachianesthésie) : Tiêm thuốc mê vào tủy sống. Gây tê tất cả các phần của cơ thể dưới chỗ tiêm.
c/ Gây mê quanh màng cứng (Péridurale) : Tiêm thuốc mê giữa hai đốt sống, ở ngoài màng não, tác dụng lên những dây thần kinh của vùng chậu.
3/ Gây mê tổng quát. Làm đình chỉ tạm thời tri giác, hủy bỏ cảm giác đau đớn. Đạt được bằng cách tiêm thuốc hay hít khí. Cần một sự theo dõi liên tục các chức năng thực thể chủ yếu.
3/ CÁC TẾ BÀO GỐC SAU CÙNG ĐÃ TRỞ THÀNH SẴN SÀNG ĐỂ SỬ DỤNG
Năm nay, các tế bào gốc đã vượt qua những giai đoạn quyết định. Lần đầu tiên được sử dụng trong điều trị, các tế bào gốc phôi thai (cellules souches embryonnaires) sau cùng có thể có được từ những tế bào trưởng thành, mà không phải nhờ đến sự can thiệp di truyền (manipulation génétique). Tính đến nay đã hơn 10 năm từ khi các nhà nghiên cứu hứa hẹn sẽ sửa chữa các cơ quan bị bệnh của chúng ta nhờ các tế bào gốc. Và lời hứa hẹn này sau cùng dường như được giữ đúng. Bởi vì năm 2010 đã đánh dấu cú giao bóng (coup d’envoi) của thử nghiệm lâm sàng đầu tiên khi những tế bào gốc phôi thai người được sử dụng để điều trị những thương tổn của tủy sống nơi những bệnh nhân bị bại liệt. Một cái mốc thật sự trong lịch sử của sinh học hiện đại. Nhất là đồng thời, một cuộc cách mạng khác kín đáo hơn, nhưng cũng rất hứa hẹn, đã làm lay động năm nay các phòng thí nghiệm. Nhiều nhóm nghiên cứu đã thành công sản xuất những bào gốc trưởng thành (cellules souches adultes) với số lượng lớn, như thế lẩn tránh những vấn đề đạo đức liên quan với việc sử dụng những tế bào phát xuất từ phôi thai. Và cùng lúc mở đường cho sự sản xuất “à volonté” những tế bào gốc! Tên của những tế bào nổi tiếng này ? IPS, viết tắt của Induced Pluripotent Stem cells (những tế bào gốc đa năng được gây cảm ứng), hay cellules pluripotentes induites. Bí quyết của chúng ? Như tên của chúng chỉ rõ, IPS phát xuất từ những tế bào trưởng thành mà trí nhớ bị làm mờ nhạt đi để chúng tìm lại những đặc tính ban đầu, tương tự với trạng thái phôi thai : trở thành “gốc” (souche), những tế bào này khi đó có thể một lần nữa được biệt hóa để có được một lý lịch tế bào (identité cellulaire) mới.
Việc hiệu chính những tế bào IPS lạ lùng này chỉ mới bắt đầu từ năm 2007. Thật vậy chính vào năm này mà nhóm nghiên cứu Nhật bản của Shinya Yamanaka, bằng cách đưa 4 gène vào trong những tế bào da bình thường, đã thành công “xóa” được lý lịch của chúng và biến hóa chúng thành những tế bào không biệt hóa (cellules indifférenciées), có cùng những tính chất như các tế bào gốc phôi thai. “Trong khi trước đây ít nhóm nghiên cứu nào đã có thể tiếp cận được với những tế bào phôi thai, thì từ nay bất cứ nhà nghiên cứu nào cũng có thể thu được IPS bằng phương pháp này. Những tế bào này đã cách mạng hóa việc nghiên cứu” Mathilde Girard, thuộc Viện các tế bào gốc Evry (I-STEM), đã xác nhận như vậy. Có khả năng tự đổi mới vô hạn định, những tế bào gốc được gây cảm ứng (cellules souches induites) này trên lý thuyết có thể được tái lập chương trình (reprogrammé) thành bất cứ loại tế bào nào khác. Và các nhà nghiên cứu đã chuyển qua thực hành : trong vòng chưa được 3 năm, họ đã thành công tái tạo các neurone, các tế bào gan, tim và ngay cả một chú chuột từ IPS.
Vậy các IPS này có thể là một nguồn vô tận những tế bào “thuốc”, để thay thế những neurone bị bệnh, điều trị những bệnh di truyền, Với ưu điểm có thể tạo chúng sur mesure, từ những tế bào của mỗi bệnh nhân, như thế tránh được nguy cơ thải bỏ. “Ngay cả có thể thu được các IPS từ một mẫu nghiệm máu đơn giản”, Mathilde Girard, lấy làm phấn khởi do thành tích được thực hiện vào tháng 7 năm 2010 bởi những nhà nghiên cứu của Whitehead Institute (Hoa Kỳ), đã nói thêm vào như vậy : những nhà nghiên cứu này đã thu được các tế bào IPS từ các bạch cầu phát xuất từ máu đông lạnh.
Tuy nhiên, một bóng đen làm mờ đi bức tranh này : để lập lại chương trình (reprogrammer) cho những tế bào trưởng thành, các nhà nghiên cứu đã sử dụng con ngựa thành Troie sinh học: các virus được biến đổi có 4 gène tái lập chương trình (gène reprogrammeur) và đưa chúng vào trong ADN tế bào; do đó, những “transgène” này có nhiệm vụ thực hiện sự biến hóa. Vâng, để làm được như vậy, chúng vẫn được sát nhập vào trong génome của các IPS, với nguy cơ làm hỏng các gène khác và làm phát khởi một ung thư! Vì thế từ năm 2007, các nhà nghiên cứu tìm cách tạo những IPS mà không làm biến đổi di truyền. Sứ mạng được hoàn thành vào tháng mười 2010, ở Viện các tế bào gốc của Havard. Ý tưởng? Tránh cho tế bào phải thực hiện những giai đoạn trung gian giữa “đọc” (lecture) 4 transgène và sự sản xuất các chất (protéines) tương ứng với chúng. Bằng cách nào? Bằng cách tiêm vào trong tế bào, không phải các transgène, mà là sản phẩm của sự tổng hợp của chúng : các ARN messager. “Như vậy, ta tránh được mọi sự biến đổi của génome và ta loại bỏ nguy cơ sinh ung thư”, Derrick Rossi, người đã tiến hành những nghiên cứu đã giải thích như vậy. Bởi vì các ARN này mặc dầu làm phát khởi sự thay đổi lý lịch của các tế bào, nhưng chúng nhanh chóng bị phá hủy. “An toàn hơn, kỹ thuật này cũng 100 lần hiệu quả hơn kỹ thuật sử dụng các virus, với kỹ thuật này dưới 0,1% các tế bào cuối cùng được biến đổi thành IPS, nhà nghiên cứu đã xác nhận như vậy. Ngoài ra, các IPS thu được với ARN gần giống với những tế bào gốc phôi thai thật hơn.” Đây là một điểm quan trọng, bởi vì các IPS được biến đổi về mặt di truyền chỉ hướng về trạng thái phôi thai nhưng không phải là những tế bào thay thế tuyệt hảo. Để giống các tế bào phôi thai, các IPS này “không biểu hiện một cách chính xác cùng các gène và ta chưa biết điều này có đặt ra vấn đề hay không”, Mathilde Girard đã phát biểu như vậy. Trước khi có thể sử dụng chúng trong médecine régénérative, các nhà nghiên cứu phải học để biết chúng tốt hơn, và nhất là chọc thủng màng bí mật về quá trình tái lập chương trình (reprogrammation), một hiện tượng quyến rũ nhưng không được hiểu rõ : khả năng biệt hóa của chúng từ cùng một vật liệu di truyền (SCIENCE ET VIE 1/2011) Đọc thêm :
4/ SỰ ĐI BỘ CHO BIẾT VỀ SỨC KHỎE CỦA CHÚNG TA
Đi bộ là một hoạt động vật lý cần thiết cho một sức khỏe tốt và một hình dáng tốt hơn. Thông điệp không phải là mới. Điều mới, đó là điều mà những nhà nghiên cứu của Đại học Pittsburgh (USA) đã khám phá. Thật vậy, trong một công trình nghiên cứu được công bố trong Jama (Journal de l’association médicale américaine), các nhà nghiên cứu này gợi ý rằng tốc độ đi bộ của những người già là một chỉ dấu đáng tin cậy về tình trạng sức khỏe của những người này. Nói một cách khác, ngoài những yếu tố nguy cơ khác như tuổi tác và giới tính, tốc độ bước của một người già là một yếu tố nguy cơ khác để đánh giá tuổi thọ (espérance de vie).
“Giới tính và tuổi tác chỉ cung cấp một thông tin hạn chế bởi vì tỷ lệ sống sót (survie) cũng bị ảnh hưởng bởi sức khỏe và năng lực chức năng (capacité fonctionnelle)”, các tác giả của công trình nghiên cứu này đã giải thích như vậy. Những tác giả này đã theo dõi khoảng 35.000 người già từ 65 tuổi hoặc hơn trong một thời kỳ từ 6 đến 21 năm. Trong công trình nghiên cứu, họ đã yêu cầu những người tham dự bước theo nhịp thông thường. Tốc độ bước của những người này là 0,92 m mỗi giây. “Những người bước với một tốc độ 1 m mỗi giây hay hơn đã sống lâu hơn một cách đáng kể so với những đánh giá chỉ liên kết duy nhất với tuổi tác và giới tính ”, các tác giả đã xác nhận như vậy.
Có nhiều lý do giải thích tốc độ bước là một chỉ dấu đối với tuổi thọ.
“Bước cần đến năng lực, sự kiểm soát của các cử động và hàm ý nhiều cơ quan. Một tốc độ giảm có thể là một dấu hiệu của một sự suy đồi của những hệ thống này”, các tác giả đã gợi ý như vậy. (LE SOIR 5/1/2011) Đọc thêm :
5/ CÁC TẾ BÀO GỐC CHO TRÁI TIM BỊ BỆNH
Thử nghiệm sửa chữa đầu tiên cơ tim bằng những tế bào gốc phôi thai người được dự kiến năm nay ở bệnh viện châu Âu Georges-Pompidou (Paris). Thay thế những tế bào bị phá hủy bằng những tế bào lành mạnh, đó là mục tiêu của liệu pháp tế bào (thérapie cellulaire). Thí dụ liệu pháp này cho phép chữa sự thoái hóa của những tế bào cơ tim do một nhồi máu cơ tim gây nên. Nhưng phải sử dụng những tế bào nào? Có khả năng tăng sinh vô hạn và biến hóa thành bất cứ loại tế bào nào, những tế bào gốc phôi thai (cellules souches embryonnaires) dường như là những đồng minh ưu tiên của kỹ thuật này. Và trong năm 2011 này, một thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của liệu pháp tế bào tim (thérapie cellulaire cardiaque), nhờ đến những tế bào gốc phôi thai, sẽ được bắt đầu ở bệnh viện châu Âu Georges-Pompidou (Paris). Được điều hành bởi thầy thuốc ngoại khoa Philippe Menasché và nhà nghiên cứu Michel Pucéat, thử nghiệm này sẽ được thực hiện trên 6 bệnh nhân bị suy tim.
Là người tiền phong trong nghiên cứu liệu pháp tế bào tim, Philippe Menasché, vào năm 2000, đã thực hiện một ghép các tế bào gốc vào tim đầu tiên nơi các bệnh nhân. Vào thời kỳ đó, ông đã sử dụng những tế bào gốc trưởng thành (cellules souches adultes), phát xuất từ cơ đùi của những người bị bệnh. Nhưng phương pháp này đã mang lại những kết quả gây thất vọng về mặt tính hiệu quả, bởi vì năng lực co bóp của tim đã không được cải thiện một cách đáng kể. Do đó nảy ra ý tưởng thăm dò một đường hướng hơi khác, và nhờ đến những tế bào gốc phôi thai.
Nhiều năm tháng nghiên cứu để hiệu chính một protocole khả dĩ là đối tượng của một thử nghiệm lâm sàng. Trước hết phải tìm ra phương cách để làm phân hóa trước (prédifférencier) trong trong phòng thí nghiệm những tế bào gốc phôi thai này, nghĩa là hướng sự tiến triển của chúng về phía những tế bào tim có khả năng co bóp. Rồi sau đó còn phải tìm một phương tiện để ghép chúng vào tim. Vẫn luôn luôn trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã tạo ra một patch, được cấu tạo bởi các sợi collagène nâng đỡ những tế bào đã được phân hóa trước (cellules prédifférentiées), patch này sau đó được ghép vào tim, nơi vùng những tế bào tim không còn co bóp được nữa. Sau cùng, suốt trong hơn 5 năm, nhóm của Philippe Menasché đã hiện thực hiện những thí nghiệm trên những mô hình động vật. Nhóm nghiên cứu này đã kiểm tra thấy rằng một khi patch được đặt vào tim, các tế bào gốc phôi thai được phân hóa trước (cellules souches embryonnaires prédifférenciées) cuối cùng phân hóa thành những tế bào tim và tim đã đập tốt hơn. Nhưng “không có một mô hình động vật nào thật sự bắt chước được bệnh cảnh lâm sàng của một con người”, Philippe Menasché đã báo trước như vậy. Vì vậy thử nghiệm lâm sàng được dự kiến, một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, nhằm đảm bảo tính vô hại và tính hiệu quả của kỹ thuật, trên một số lượng nhỏ những người tình nguyện. Nếu như thử nghiệm này thành công, một thử nghiệm khác tiếp theo sau, huy động một số lượng bệnh nhân lớn hơn. Nhiên hậu, phương pháp này có thể dành cho những bệnh nhân mà điều trị cổ điển đã thất bại nhưng lại không có thể hưởng được một phẫu thuật ghép tim. (LA RECHERCHE 1/2011) Đọc thêm :
6/ HÓI ĐẦU NAM GIỚI SAU CÙNG ĐƯỢC PHÁT HIỆN
Rụng tóc là do một sự bất hoạt của vài tế bào gốc.
BIOLOGIE. Tin vui cho những người bị hói đầu. Hay ít nhất đối với những người đàn ông, không theo mốt cạo đầu, khó sống với chứng hói của mình : một khám phá mới đây cho phép họ hy vọng thấy tóc mọc trở lại một ngày nào đó. Thật vậy, trong một công trình nghiên cứu mới đây, được công bố hôm qua trong Journal of Clinical Investigation, các nhà nghiên cứa của département de dermatologie thuộc đại học Pennsylvanie (Hoa Kỳ) cho thấy rằng chứng hói đầu (calvitie) có thể là do sự bất hoạt hóa của những tế bào gốc được chứa trong các nang lông (follicules pileux). Và do đó chỉ cần “đánh thức” chúng để những nhà máy chế tạo tóc tí xíu này có thể bắt đầu hoạt động bình thường trở lại.
Để đi đến kết luận khá gây ngạc nhiên này, nhóm nghiên cứu, được chỉ đạo bởi George Cotsarelis đã so sánh các nang lông phát xuất từ các phần có tóc và không có tóc của sọ của các người đàn ông đã được transplantation capillaire. Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ sau đó đã chứng thực rằng số lượng các tế bào gốc là như nhau trong cả hai trường hợp. Ngược lại, các nang lông, được lấy trong vùng có tóc, chứa nhiều những tế bào trưởng thành hơn, hay những “tế bào sinh con” (cellules progénitrices), hơn những nang lông nằm trong vùng sói. Từ đó sinh ra ý nghĩ là chứng hói đầu nam giới không phải là do sự giảm của những tế bào gốc, mà đúng hơn là do sự sụt giảm hoạt tính của chúng.
Các nhà nghiên cứu không biết những lý do tại sao, vào giai đoạn này, việc biến đổi những tế bào gốc thành những tế bào “sinh con”(progénétrice) không được thực hiện nữa. Một sự panne gây nên, không phải là sự biến mất mà là sự teo của các nang lông, và dẫn đến sự sản xuất những sợi tóc bé tí, do đó không thấy được. “Tuy nhiên, sự kiện số các tế bào gốc không bị ảnh hưởng cho chúng tôi hy vọng một ngày nào đó sửa chữa được vấn đề”, George Costaleris đã giải thích như vậy. Cách nay 4 năm, phòng thí nghiệm của ông ta đã cho thấy rằng các nang lông chuột trưởng thành có khả năng tái sinh với điều kiện đánh thức vài gène hoạt động trong thời kỳ phát triển thai. Và rằng sự chữa lành của một vết thương trên các con chuột mô hình tạo nên một “fenetre embryonnaire” tạo cơ hội làm gia tăng số những nang lông mới. Sau cùng, vẫn trong công trình nghiên cứu của ông được công bố hôm qua, nhóm của Georges Cotsarelis đã loan báo là đã khám phá, vẫn trên các con chuột, một loại tế bào “sinh con” (cellule progénitrice), tương tự với những tế bào người. Thế mà những tế bào này, một khi được ghép vào các con chuột bị thiếu hụt miễn dịch, có khả năng chế tạo những nang lông và làm mọc tóc trở lại. Một trong những giai đoạn sắp đến là nhận diện những yếu tố sinh học góp phần vào sự biến đổi của những tế bào gốc thành những tế bào sinh con. Một công tác cần thêm nhiều năm nghiên cứu.
Hiện nay, điều trị của chứng hói đầu chủ yếu được thực hiện bằng vi ghép tóc (microgreffe de cheveux), được lấy từng sợi một trong những vùng có tóc chuyển qua những vùng không có tóc của sọ. Một cuộc phẫu thuật tẻ nhạt, dài lâu và tốn kém (khoảng 5000 Euro). Trong 80% các trường hợp, chứng hói đầu là do nguồn gốc di truyền, liên hệ chủ yếu những người đàn ông trên 45 tuổi. Những cõng trình nghiên cứu đã cho thấy rằng một vùng của nhiễm sắc thể 20 có can dự vào. (LE FIGARO 5/1/2011) Đọc thêm :
Ghi chú :
- Calvitie (chứng hói đầu) : Calvitie nghĩa là không có hay mất tóc. Chứng hói đầu ảnh hưởng lên khoảng 15 đến 30% nam giới. Nguồn gốc thường là do di truyền, nhưng chứng này cũng có thể mắc phải, sau khi hấp thụ vài loại thuốc (hóa học liệu pháp chống ung thư, bức xạ tia X...). Nơi người đàn ông khoảng 30 tuổi, chứng hói đầu bắt đầu với một sự mất tóc trong vùng thái dương rồi xâm nhập dần dần vùng trán chính diện. Sau đó xuất hiện hói ở đỉnh sọ (région de la tonsure), trong vùng chẩm-đỉnh (région occipitopariétale).
- Ghép da đầu (greffe du cuir chevelu) : kỹ thuật được sử dụng từ những năm 1950, nhằm lấy trong một vùng ít có thể thấy được (trên hay sau tai, trong vùng chẩm) những dải da đầu gồm 10 đến 15 sợi tóc rối ghép trong vùng bị hói.
- Ghép vi thể da đầu (Microgreffe du cuir chevelu) : kỹ thuật sử dụng cùng nguyên tắc như ghép da đâu nêu trên, nhưng chỉ được thực hiện từ giữa những năm 1980, nhằm ghép những đảo nhỏ gồm 1 đến 3 sợi tóc. Do đó điều trị kéo dài khá lâu (từ 6 đến 12 buổi), vì lẽ cần nhiều trăm những ghép nhỏ để có được một kết quả tốt.
7/ LIỆT 4 CHI : THÀNH CÔNG NGOẠI KHOA CỦA MỘT SỰ HỒI PHỤC CỦA BÀN TAY
BS Caroline Leclerc, thầy thuốc chuyên khoa ngoại bàn tay, thuộc Centre de rééducation neurologique et fonctionnelle de Coubert, trong ban tổ chức của hội nghị quốc tế mới đây về bàn tay TetraHand, giải thích những kỹ thuật cho phép làm hoạt động các bàn tay bị bại liệt.
Hỏi : Những đặc điểm của một liệt 4 chi (tétraplégie) là gì ?
BS Caroline Leclercq : Chứng liệt 4 chi thường nhất được gây nên bởi gãy cột sống ở cổ và, do đó, do một thương tổn của tủy sống. Khi đó những dây thần kinh phát xuất từ tủy sống và điều khiển cử động của 4 chi bị bại liệt. (Không nên lẩn lộn liệt 4 chi với liệt hai chi dưới (paraplégie), xảy ra do thương tổn tủy sống vùng lưng và chỉ gây nên một bại liệt các chi dưới). Các tai nạn xe hơi và những nhào lặn trong vùng nước cạn là những nguyên nhân thường xảy ra nhất.
Hỏi : Tùy theo mức của thương tổn của những đốt sống cổ, những phế tật là gì ?
BS Caroline Leclercq : Các hậu quả sẽ tùy thuộc vào những định vị ở tủy sống. Chủ yếu có 4 tầng. 1. Vùng của đốt sống cổ thứ tư : 4 chi bị bại liệt, kể cả các bàn tay. 2. Vùng của đốt sống cổ thứ 5 : còn một mức độ cử động nào đó của vai và của khủy tay. 3. Thương tổn của đốt sống cổ thứ sáu : các khả năng vận động giống nhau nhưng thêm vào cổ tay. 4. Thương tổn của cột sống cổ thứ bảy (mức thấp nhất của các đốt sống cổ) : các ngón tay vẫn ít nhiều hoạt động. Phế tật gay go nhất là không có thể sử dụng các bàn tay của mình cho những động tác của đời sống hàng ngày (nắm một đồ vật, ăn uống, tắm rửa...) Trong vài trường hợp (ít thường xảy ra), bại liệt thoái biến một cách ngẫu nhiên, bởi vì tủy sống đã không hoàn toàn bị phá hủy.
Hỏi : Những kỹ thuật ngoại khoa được trình bày ở hội nghị quốc tế vừa qua là gì ?
BS Caroline Leclercq : Để tái lập một chức năng, ta thực hiện kỹ thuật chuyển cơ (technique du transfert musculaire) nhằm sử dụng một trong những cơ của cánh tay còn hoạt động. Để đạt được điều này, ta tách khỏi xương tận cùng của cơ để gắn nó lên các cơ bị bại liệt của cổ tay và/hoặc bàn tay. Khi thương tổn nằm ở mức của đốt sống cổ thứ 5 hoặc thứ 6, ta có thể tái lập khả năng kẹp (la pince) giữa ngón cái và ngón trỏ. Khi thương tổn ở mức đốt sống có thứ 7, ta cũng có thể cố tái lập một khả năng nắm của các ngón tay khác. Bại liệt càng lan rộng, càng khó mang lại chức năng cho bàn tay.
Hỏi : Những kết quả ta có được với phương thức chuyển cơ này ?
BS Caroline Leclercq : Những kết quả rất là thỏa mãn. Những bệnh nhân được mổ bằng kỹ thuật tái lập khả năng kẹp (technique de la pince) có thể tắm rửa, ăn uống (nhưng không cắt thịt), viết, mặc vào một áo pull hay một áo chemise. Đối với những người đã phục hồi lại khả năng cử động của tất cả các ngón tay, các bệnh nhân lại có thể mang những vật nặng như một chai nước, tự đổ nước để uống, làm bếp (khi gian phòng được thích ứng với phế tật), mở một tay nắm cửa …Các bệnh nhân không hẳn tìm lại được một bàn tay bình thường nhưng họ có thể phục hồi một mức độ độc lập nào đó, điều này rất là quan trọng. Tuy nhiên phải xác nhận rằng, trước khi quyết định thực hiện sự can thiệp này, luôn luôn phải cần một năm để đảm bảo rằng sự bại liệt không thoái bộ một cách ngẫu nhiên.
Hỏi : Hiện nay, các trục nghiên cứu để cho những bệnh nhân bị liệt 4 chi này tìm lại một khả năng độc lập nào đó là gì ?
BS Caroline Leclercq : Có 4 hướng chính. 1. Các thử nghiệm sửa chữa tủy sống (với các tế bào gốc). 2. Sự kích thích cơ bị bại liệt nhờ cắm một vòng điện (circuit électrique). 3. Một thử nghiệm thứ ba nhằm chuyển các dây thần kinh. 4. Các tiến bộ robotique sử dụng các bộ phận điều khiển từ xa (bằng tay, tiếng nói hay mắt). (PARIS MATCH 6/1-12/1/2011)
8/ SIDA-LAO : ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỰ NHIỄM TRÙNG PHỐI HỢP (CO-INFECTION)
Gần 15% các bệnh nhân bị sida cũng bị nhiễm bởi bệnh lao. Theo OMS, con số này ngay cả lên đến 69% ở Nam Phi. Việc khó khăn trong chẩn đoán của hai bệnh nhiễm trùng liên kết này đòi hỏi một sự xử trí toàn bộ. Để đạt được điều đó, những bảng câu hỏi lâm sàng được tiêu chuẩn hóa cải thiện công tác phát hiện và những xét nghiệm chẩn đoán mới bổ sung bilan siêu vi trùng học và miễn dịch học, như các xét nghiệm nước tiểu được gọi là LAM (lipoarabinomannan). Những điều trị kháng lao và các điều trị antirétroviral rất hoạt tính (HAART) có hiệu quả nhưng khó phối hợp vì lẽ có khả năng tương tác giữa các loại thuốc. Vẫn còn khó biết được lúc tối ưu để đưa thuốc vào nhằm làm giảm nguy cơ gây các biến chứng được gọi là IRIS syndrome (hội chứng viêm tái tạo miễn dịch: syndrome inflammatoire de reconstitution immunitaire).Về việc dự phòng chống bệnh lao trong trường hợp sida, một trong những phối hợp đầy hứa hẹn nhất là sự phối hợp isoniazide với các antirétroviraux.(SCIENCES ET AVENIR 1/2011) Đọc thêm :
9/ NHIỀU MAGNESIUM HƠN, ÍT CHẾT ĐỘT NGỘT HƠN
Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ xác lập một mối liên hệ giữa một bên là những nồng độ cao hơn của magnésium trong máu và một dung lượng quan trọng hơn của magnésium trong thức ăn, và một bên là một nguy cơ bị chết đột ngột thấp hơn.
Ta đã biết những tính chất chống loạn nhịp của magnésium, được chứng minh trong những mô hình tế bào và thí nghiệm. Mối liên hệ với chết đột ngột thì ít được xác định rõ hơn. Trong một công trình nghiên cứu, Stéphanie Chiuve và các cộng sự viên (Havard Medical School, Boston) đã do nồng độ magnésium trong máu và thức ăn rồi sau đó khảo sát một mối liên hệ với sự xuất hiện của chết đột ngột. Các nhà nghiên cứu đã căn cứ trên các dữ kiện liên quan đến 88.375 phụ nữ đã tham gia vào công trình nghiên cứu nổi tiếng Nurses’ Health Study và không bị bệnh vào năm 1980. Tất cả cứ mỗi hai đến bốn năm, họ đã cập nhật hóa, bằng một bảng câu hỏi, những thông tin liên quan đến sự hấp thụ magnésium và những yếu tố khác liên quan đến lối sống.
Suốt trong thời kỳ theo dõi, kéo dài 26 năm, 505 trường hợp chết đột ngột do loạn nhịp tim đã được ghi nhận. Sau khi điều chỉnh những thông số có khả năng gây nhầm lẫn, các tác giả đã chứng thực rằng nguy cơ chết đột ngột do tim thấp hơn một cách đáng kể trong nhóm có sự tiêu thụ và nồng độ magnésium cao nhất, so với nhóm có nồng độ thấp.
Sự gia tăng của nồng độ magnésium và sự hấp thụ magnésium từ thức ăn được liên kết với một nguy cơ bị chết đột ngột thấp hơn. Nếu mối liên hệ này có tính chất nhân quả, những can thiệp nhằm tiêu thụ magnésium quan trọng hơn hay một nồng độ magnésium trong máu cao hơn có thể làm giảm nguy cơ chết đột ngột, các tác giả đã kết luận như vậy. (LE JOURNAL DU MEDECIN 11/11/2011)
10/ NGÀY NAY CHO BÚ SỮA CÓ CÒN ÍCH LỢI KHÔNG ?
Professeur Bernard Salle, Néonatologue (Lyon), Membre de l’Académie nationale de médecine
Professeur Roger Henrion, Gynécologue, Président de l’Académie nationale de médecine
Agence nationale d’accréditation et d’évaluation en santé (Anaes) và Programme national nutrition santé (PNNS) khuyến nghị cho bú sữa mẹ để làm dễ một sự phát triển hài hòa của nhũ nhi và yêu cầu các nhà hộ sinh phải được thông tin về những lợi ích của sữa mẹ.
Tuy vậy ta không thể biến việc bú sữa mẹ thành một nghĩa vụ hay một quy tắc. Trên thế giới hiện nay, sự lựa chọn tự do thuộc về người mẹ, nhưng cũng thuộc về người cha : ta không nghĩ là phải ép một người phụ nữ cho con bú và việc không cho bú không ngăn cản một đứa bé phát triển một cách hoàn toàn bình thường.
Phải nhắc lại rằng nơi những động vật có vú sự dinh dưỡng của trẻ sơ sinh được đảm bảo bởi sữa mẹ trong những tuần lễ hay tháng đầu của đời sống, và rằng thành phần của sữa khác nhau tùy theo các loài để thích nghi với sự tăng trưởng và với môi trường của mỗi đứa nhỏ.
Chính vì thế sữa bò, gốc của những chế phẩm cho các nhũ nhi, ngay cả được biến hóa bởi công nghiệp sữa, vẫn không thể so sánh được với sữa mẹ. Thật vậy dầu chất lượng của chúng như thế nào, những chế phẩm này không chứa các kích thích tố, các men, các yếu tố tăng trưởng, các cytokine, các immunoglobuline, đảm bảo, một cách đặc biệt trong sữa mẹ, sự bảo vệ và sự phát triển của đứa trẻ.
MỐI LIÊN HỆ MẸ-CON ĐƯỢC LÀM DỄ ĐỐI VỚI TƯƠNG LAI
Do các tính chất của nó, sữa mẹ làm giảm nguy cơ, nơi nhũ nhi, xuất hiện những nhiễm trùng tiêu hóa và hô hấp : sữa mẹ cho phép làm giảm nguy cơ dị ứng, một sự phát triển nhận thức (développement cognitif) tốt hơn : nó ngăn ngừa chứng béo phì của trẻ em và ngay cả của người lớn, và làm giảm tỷ lệ mắc phải sau này những bệnh tim mạch. Thật vậy, huyết áp và nồng độ cholestérol nơi thiếu niên và người trưởng thành trước đây đã bú sữa mẹ là thấp hơn so với những trẻ được nuôi bằng sữa nhân tạo. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy những lợi ích của việc cho bú nếu được thực hiện ít nhất cho đến 4 tháng.
Nơi bà mẹ, sự mất cân hậu sản diễn ra nhanh hơn : sự cho bú cũng làm giảm nguy cơ bị ung thư vú. Sau cùng, không nên quên những ưu điểm tâm thần tình cảm (psychoaffectif) : động tác cho bú là một sự tiếp xúc giữa hai thân thể (un corps à corps) trong đó tác động sự triều mến, sự thanh thản và sự hài hòa giữa mẹ và con.
Việc cho bú làm dễ mối liên hệ mẹ-con tức thời và trong tương lai. Người mẹ học nhận cảm đứa con và những cảm xúc của nó : theo vài công trình nghiên cứu, việc cho bú sữa mẹ có thể phòng ngừa sự ngược đãi trẻ em.
Trong thời kỳ thai nghén, các thầy thuốc sản khoa, các nữ hộ sinh và các thầy thuốc nhi khoa khuyến nghị các phụ nữ cho bú sửa. Tất cả từ nay sẽ nhận một đào tạo thực hành và lý thuyết về việc cho bú. Trong các nước Bắc Âu, các phụ nữ có thể vừa cho bú vừa làm việc đặc biệt nhờ các nhà trẻ trong xí nghiệp.
KÉO DÀI THỜI GIAN NGHỈ HẬU SẢN
Ở Pháp, những đạo luật được cho là làm dễ việc cho bú tại nơi làm việc là không thực tế và ít được áp dụng. Thế mà nhiều nghề nghiệp không tương hợp với việc cho bú sau khi làm việc lại, nhất là khi buộc phải di chuyển.
Ở Thụy Điển, thời gian nghỉ của người mẹ là 180 ngày với một tỷ lệ cho bú 80% vào lúc 4 tháng, trong lúc ở Pháp tỷ lệ này là 15% vào lúc 6 tuần. Nghỉ hậu sản do đó phải được kéo dài ít nhất cho đến 4 tháng nếu bà mẹ chỉ độc nhất cho bú và yêu cầu như thế, như đã được khuyến nghị bởi Viện hàn lâm y khoa vào năm 2009. (LE FIGARO 12/4/2010) Đọc thêm :

BS NGUYỄN VĂN THỊNH (17/1/2011)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More