Xử lý cảm và khó tiêu trong dịp Tết

Trong dịp Tết nhiều địa phương vào mùa bắt đầu nóng, nắng nhiều, nhiệt độ và độ ẩm cao dễ gây trạng thái khó chịu, đổ mồ hôi nhiều, thêm nữa, mấy ngày Tết ta thường thức khuya (đón giao thừa hoặc vui chơi quên cả ngủ) làm cho cơ thể mỏi mệt, sức đề kháng kém, rất dễ bị rối loạn, đặc biệt dễ bị cảm hoặc khó tiêu.

Trước hết là cảm: Cảm thường do cảm cúm hay cảm lạnh là rối loạn thường gặp. Có hai triệu chứng thường gặp là sốt và đau nhức, đặc biệt là nhức đầu. Đối với trẻ con thì thường bị sốt, còn người lớn cảm thấy rất khó chịu do bị nhức đầu.

Để giảm đau hạ sốt đặc biệt trị nhức đầu, thuốc thường được dùng là aspirin và paracetamol. Trong 2 loại thuốc này, paracetamol được xem là tương đối an toàn.

Aspirin giảm đau hạ nhiệt tốt nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt gây tổn hại niêm mạc dạ dày - tá tràng và tăng nguy cơ xuất huyết. Nên lưu ý không được dùng aspirin khi nghi ngờ sốt xuất huyết. Phụ nữ có thai và trẻ em cũng thế không nên dùng aspirin.

Nên lựa chọn paracetamol nhưng cũng cần lưu ý paracetamol không phải hoàn toàn vô hại, dùng quá liều có thể hại gan. Không nên dùng paracetamol quá thường xuyên và phải dùng thật đúng liều. Nên lưu ý:

- Không được dùng paracetamol để tự điều trị cảm sốt quá 5 ngày ở trẻ em, còn ở người lớn không quá 10 ngày, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.

- Người cao tuổi bị tăng huyết áp (THA) không được dùng thuốc dạng thuốc sủi bọt: Do dạng thuốc sủi bọt luôn chứa tá dược rã sinh khí là natri bicarbonat hoặc natri carbonat (khi hòa vào nước sẽ phản ứng với acid citric cũng là tá dược phóng thích khí CO2 gây sủi bọt), cho nên, trong thuốc sủi bọt luôn chứa natri (mỗi viên thuốc sủi bọt có chứa 274-460 mg natri), có thể gây tăng huyết áp đối với người bị sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối. Người cao tuổi đang điều trị bệnh THA tuyệt đối không dùng thuốc dạng sủi bọt.

- Người cao tuổi bị tăng huyết áp không dùng thuốc trị cảm chứa phenylpropanolamin, pseudoephedrin: Các thuốc trị cảm ngoài dược chất paracetamol thường chứa thêm thuốc có tác dụng làm co mạch, chống sung huyết ở niêm mạc mũi như phenylpropanolamin hoặc pseudoephedrin (vì vậy thuốc làm cho hết sổ mũi, nghẹt mũi rất tốt). Nhưng chính do chứa chất co mạch vừa kể mà dùng thuốc để trị cảm sổ mũi không thôi có thể bị THA rất đáng ngại. Người cao tuổi sẵn bị bệnh THA cần xem kỹ thành phần của thuốc trị cảm (chỉ có paracetamol là không đáng ngại) để dùng thuốc cho an toàn.

- Người thuờng xuyên uống rượu không nên dùng bừa bãi paracetamol, đặc biệt không nên uống thuốc gọi là “để ngừa nhức đầu, để uống rượu nhiều không say”(!). Paracetamol và rượu đều hại gan, sự kết hợp sẽ làm tăng độ nguy hại lên nhiều lần.

Kế tiếp là chứng khó tiêu đầy bụng (KTĐB): Đó là triệu chứng cảm thấy no hơi, nặng bụng, có khi là đau bụng do có sự tích khí trong đường tiêu hóa, do tiêu hóa không tốt, thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày.

Trước khi tính chuyên dùng thuốc, ta nên lưu ý thực hiện mấy điều sau:

- Nên quan tâm đến cách ăn uống để tránh chứng khó tiêu đầy bụng như ăn chậm, nhai kỹ, tạo không khí thoải mái trong bữa ăn, tránh dùng các thực phẩm mà kinh nghiệm cho thấy gây chứng khó tiêu (như thức ăn chiên quá nhiều dầu mỡ), không lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích quá đáng.

- Có thể dùng gừng giã nhỏ lấy nước hoà với nước âm ấm uống mà theo nhiều người nhận thấy có thể làm giảm chứng khó tiêu.

- Về thuốc trị KTĐB, có thể dùng các thuốc sau:

Thuốc chống acid, chống đầy hơi: được dùng khi bị chứng khó tiêu đầy bụng kèm theo ợ chua do dư acid dịch vị, tức là chất chua trong dạ dày; gồm có thuốc: Maalox Plus, Simelox, Phosphalugel, Gasvicon, Pepsan…

Thuốc giúp điều hòa sự co bóp dạ dày: Dùng khi sự co bóp dạ dày kém đưa đến sự chuyển đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột chậm làm no lâu; gồm có: metoclopramid (Primpéran) domperidon (Motilium-M)…

Thuốc giúp tiêu hóa: Đó là thuốc chứa các men tiêu hóa để giúp sự tiêu hóa thức ăn ở dạ dày dễ dàng hơn như: Neopeptine, Festal, Pancrélase, Alipase… Hoặc dùng thuốc chứa mật, làm lợi mật hoặc thông mật như: Spasmenzyme, Artichaut (BAR), Sulfarlem, Sorbitol…

Tùy theo KTĐB kiểu nào sẽ lưa chọn thuốc kể ở trên. Nên hỏi dược sĩ ở nhà thuốc để được hướng dẫn chi tiết hơn.

Chỉ nên dùng các thuốc trị KTĐB khoảng 5-7 ngày, nếu sau đó chứng khó tiêu, đầy bụng không cải thiện, ta nên đi bác sĩ khám bệnh, Đặc biệt, người trên 45 tuổi càng nên đi khám bệnh tổng quát để tầm soát các bệnh có thể nghiêm trọng như viêm lóet dạ dày tá tràng hay trào ngược dạ dày-thực qủan…

Theo Tuổi trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More